Vì sao TP.HCM khó chống ngập?

TP.HCM đã triển khai nhiều dự án thoát nước, nhiều công trình chống ngập đã được đưa vào sử dụng, nhưng ngập thì ngày càng nặng. Những trận ngập liên tiếp vừa qua tiếp tục cho thấy những bế tắc trong nỗ lực chống ngập của chính quyền Thành phố.

Hệ thống thoát nước không thể theo kịp tốc độ đô thị hóa tại TP.HCM. Ảnh: Đình Thảo

Đô thị hóa tự phát, sai vị trí

Trận mưa lớn ngày 26/9 đã gây ngập hơn 30 điểm lớn, hàng loạt tuyến đường lớn nhỏ ở các quận nội thành lẫn vùng ven của TP.HCM chìm trong biển nước, giao thông hỗn loạn trong nhiều giờ liền, riêng bản thân Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng bị ngập nặng khiến cho 12 chuyến bay đến sân bay này phải đổi hướng hạ cánh. Không tính đến trận mưa lớn nhất trong 40 năm tại TP.HCM, những trận mưa không lớn lắm cũng đủ khiến vài con đường chìm trong nước. Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, sẽ tiếp tục có nhiều trận mưa trên 100 mm, nghĩa là TP.HCM còn ngập nhiều.

Việc tìm ra những giải pháp chống ngập do mưa và do triều cường một cách hiệu quả vẫn là vấn đề hóc búa lâu nay của chính quyền TP.HCM. Như nhận định của PGS. TS. Lưu Đức Cường, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia thuộc Bộ Xây dựng, nguyên nhân của tình trạng ngập lụt tại TP.HCM là do phát triển đô thị thiếu hợp lý và xu thế của biến đổi khí hậu. Còn theo PGS. TS. Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, nguyên nhân chủ yếu gây ra ngập là do thiếu đầu tư đồng bộ cho hệ thống thoát nước đô thị để đáp ứng mức độ đô thị hóa gia tăng không ngừng.

Ở TP.HCM, theo giới chuyên gia, khi mưa với cường độ khoảng trên 40 mm, thời gian ngắn thường sinh ra ngập úng. Nếu mưa với cường độ lớn hơn (nhất là tần suất mưa 100 mm - 120 mm ngày càng dày đặc), thời gian mưa tập trung dài hơn thì mức độ ngập úng càng nguy hiểm hơn. Mặt khác, quá trình đô thị hóa tự phát hoặc đô thị hóa dưới những chính sách sai lầm về vị trí phát triển và cách thức phát triển đã gián tiếp gây nên ngập lụt.

Cần kiểm soát mở rộng đô thị

Việc đầu tư các công trình chống ngập nên ở mức độ phù hợp, không quá tốn kém. Thay vào đó, một phần kinh phí nên đầu tư vào công tác quản lý và năng lực ứng phó của người dân dựa trên kịch bản ngập lụt của đô thị.

PGS. TS. Lưu Đức Cường cho rằng việc đô thị hóa tại vùng ven đô, vốn trước kia sử dụng cho mục đích nông nghiệp, là nguyên nhân dẫn đến ngập lụt theo 2 cách: Trước hết, diện tích hồ, ao và kênh rạch bị san lấp tăng lên khiến cho khả năng chứa nước tại chỗ của khu vực giảm xuống. Sau đó, tỷ lệ diện tích bề mặt tự nhiên giảm xuống trong khi diện tích đất bị bê tông hóa tăng lên khiến cho lượng nước chảy bề mặt gia tăng vì không thấm được vào lòng đất.

Mới đây, trong Chương trình giảm ngập nước của chính quyền TP.HCM nêu rõ cần nâng cao chất lượng quy hoạch và hiệu quả quản lý quy hoạch, xây dựng; bổ sung chính sách tạo vốn, huy động mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước, nhà máy xử lý nước thải, các công trình hồ điều tiết, đê bao và các cống kiểm soát triều.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ, như khuyến nghị của nhóm nghiên cứu từ Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TP.HCM không thể chỉ khắc phục bằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (đê bao, hệ thống thoát nước…), mà cần phải đầu tư hệ thống quản lý những rủi ro do ngập lụt. Về cơ bản, TP.HCM nên xây dựng hệ thống quản lý tính hiệu quả của việc khai thác không gian đô thị tại các khu trung tâm hiện hữu nhằm hạn chế sự mở rộng của đô thị trên các khu vực không thuận lợi.

Nhóm nghiên cứu này cũng lưu ý, cần kiểm soát chặt chẽ sự phát triển của các khu vực dân cư mới dựa trên mức phát triển tổng thể và có tính toán, đánh giá yếu tố rủi ro. Hơn nữa, việc đầu tư các công trình chống ngập nên ở mức độ phù hợp, không quá tốn kém. Thay vào đó, một phần kinh phí nên đầu tư vào công tác quản lý và năng lực ứng phó của người dân dựa trên kịch bản ngập lụt của đô thị.

Thế Vinh

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/dau-tu/vi-sao-tphcm-kho-chong-ngap-27958.html