Vì sao Tổng thống Philippines không ưa Mỹ? (kỳ 2)

Kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức vào tháng 6/2016, chính phủ Philippines đã có một số chuyển biến đáng kể trong chính sách đối ngoại với phía Bắc Kinh và trở nên xa cách hẳn đối với đồng minh lâu năm Hoa Kỳ. Vậy đâu là nguyên nhân cho những nước cờ này của ông Duterte?

Bất bình hiện tại

Ngoài bối cảnh và kinh nghiệm quá khứ với Hoa Kỳ, bất mãn hiện tại của ông Duterte vào chính quyền Tổng thống Barack Obama cũng là một trong những yếu tố chính góp phần vào thái độ bài Mỹ.

Nói chung, ông Duterte không xem Hoa Kỳ là một đồng minh đáng tin cậy của Philippines. Trong cuộc phỏng vấn với trang Rapple vào tháng 10/2015, ông mô tả Mỹ như là một “linh hồn bị thương”, không sẵn lòng khai chiến vì không chấp nhận nổi rủi co cao trong chính sách quốc tế, đồng thời bởi các thách thức quốc nội trong đó có nạn phân biệt chủng tộc.

Để hỗ trợ cho quan điểm này, ông đề cập ví dụ về sự bất lực Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn Trung Quốc xây dựng các hòn đảo nhân tạo, khiến vị thế của Philippines ở Biển Đông bị suy yếu. Theo ông Duterte, điều này đã bóc trần sự kém hiệu quả của Washington.

“Mỹ không hề làm gì (để ngăn chặn) cả. Và khi mọi sự đã rồi, họ lại muốn tuần tra khu vực. Để làm gì? Hay là Mỹ định kết liễu thế giới”? – ông Duterte bức xúc nói.

Một điều bất mãn lớn hơn của Tổng thống Philippines xảy ra từ sau khi Đại sứ Hoa Kỳ Goldberg lên tiếng chống lại những bình luận khiếm nhã của ông Duterte về phụ nữ. Vụ việc đã làm rung chuyển chiến dịch tranh cử của ông Duterte, khiến ông vô cùng tức giận và khẳng định rằng ý kiến của mình đã bị đưa ra khỏi ngữ cảnh và bị hiểu sai lệch. Khi đắc cử Tổng thống, ông Duterte từng có phát ngôn sỉ nhục đồng tính nhằm vào ông Goldberg và công khai buộc tội quan chức đã can thiệp vào cuộc bầu cử Philippines.

Ông Duterte cũng cảm thấy như mình không được chính quyền Obama tôn trọng khi Mỹ nhiều lần chỉ trích "cuộc chiến chống ma túy" của Philippines, một trong những vấn đề trong nước được ưu tiên hàng đầu của ông Duterte.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 16/10 với Al Jazeera trước chuyến đi đến Bắc Kinh, ông Duterte cho biết mặc dù ông thừa nhận Hoa Kỳ cũng có những lo ngại của họ, nhưng điều khiến ông không hài lòng là Mỹ không thông qua các diễn đàn quốc tế thích hợp để bày tỏ mà thay vào đó lại thể hiện rằng nếu Philippines không dừng những hành vi mà Washington coi là vi phạm nhân quyền thì sẽ bị cắt giảm hỗ trợ. Theo ông, “đó là điều thực sự không thể chấp nhận được” và là “một sai lầm vô cùng nghiêm trọng”.

Viễn cảnh tương lai

Chưa thể nói trước liệu Tổng thống Duterte có thực sự chấm dứt quan hệ với Mỹ hay không. Ngay cả phụ tá của vị Tổng thống 71 tuổi cũng không chắc chắn về sự thay đổi quan điểm đối với Hoa Kỳ trong suốt nhiệm kỳ 6 năm của ông.

Một mặt, hai quốc gia đã bổ nhiệm đại sứ mới. Chính phủ Mỹ mới dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 1/2017, và Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ đến thăm Manila vào năm sau khi quốc gia này giữ cương vị Chủ tịch ASEAN. Do đó, cơ hội hàn gắn là điều có thể xảy ra.

Song mặt khác, các phát ngôn của ông Duterte cho thấy rất ít dấu hiệu khả quan nào. Sau bình luận gây tranh cãi về việc “cạch mặt” Mỹ, các quan chức và trợ lý của ông Duterte vội vã làm rõ ý kiến của ông. Tuy nhiên, sau khi hạ cánh tại sân bay ở thành phố Davao, ông Duterte lại tiếp tục luận điệu chống Mỹ khi nói rằng cả đời sẽ không bao giờ đặt chân đến Mỹ, và không ngại phải bay vòng dù xa đến thế nào để không phải bay qua Mỹ khi tham dự tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sắp tới tại Peru.

Lan Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/the-gioi-thoi-su/vi-sao-tong-thong-philippines-khong-ua-my-ky-2