Vì sao tổng thống Hàn Quốc không từ chức?

Thiếu người kế nhiệm, chưa có bằng chứng luận tội thích đáng, đảng đối lập còn yếu thế... được cho là những lý do khiến Tổng thống Park Geun Hye vẫn tại vị.

Mới đây, bà Park bị buộc tội thông đồng tham nhũng với 3 nhân vật thân cận trong chính quyền của mình. Hàn Quốc đang điều tra liệu nữ tổng thống có liên quan đến vụ bê bối gây rúng động nước này hay không.

Bên cạnh đó, các cuộc biểu tình yêu cầu bà Park từ chức không có dấu hiệu suy giảm. Tuy nhiên, bất chấp những bất ổn, tỷ lệ ủng hộ thấp và việc từ chức của một số trợ lý chủ chốt, các nhà phân tích nói rằng Park Geun Hye nhiều khả năng sẽ không từ bỏ ghế tổng thống.

Các cuộc biểu tình yêu cầu bà Park từ chức không có dấu hiệu suy giảm. Ảnh: Getty.

Thiếu vắng người kế nhiệm

Ở Hàn Quốc, thủ tướng không có thực quyền. Sau khi sa thải ông Hwang Kyo Ahn vào tháng 11, bà Park đã đề cử ông Kim Byong Joon, giáo sư tại Đại học Kookmin, Seoul thay thế vị trí thủ tướng Hàn Quốc nhưng vẫn chưa được quốc hội thông qua.

Trong khi đó, truyền thông Hàn Quốc đã đề cập đến khả năng tranh cử tổng thống của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ tại tổ chức này vào tháng 12/2016.

Ông Ban chưa xác nhận khả năng này nhưng hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết ông nhận được sự ủng hộ lớn trong các cuộc thăm dò được công bố hồi tháng 9.

Tuy nhiên, John Delury, một chuyên gia về Hàn Quốc tại Đại học Yonsei, nói với CNN rằng mối quan hệ gần gũi của ông Ban với các thành viên đảng cầm quyền của bà Park có thể là yếu tố bất lợi với ông.

Đảng cầm quyền không lên tiếng

Các cuộc biểu tình yêu cầu bà Park từ chức diễn ra rầm rộ trên khắp cả nước nhưng theo Paul Cha, nghiên cứu lịch sử Hàn Quốc tại Đại học Hong Kong, cho biết vẫn không có lý do cụ thể khiến tổng thống Hàn Quốc phải từ chức.

3 nhân vật thân cận với bà Park đều bị truy tố trong khi nữ tổng thống bị cáo buộc là đồng phạm tham nhũng với những người này. Ảnh: Getty.

"Sự phản đối kịch liệt trong nước là rất lớn và một số lãnh đạo của các nhóm chính trị đối lập cũng yêu cầu bà ấy từ chức. Nhìn chung, phe đối lập có xu hướng muốn luận tội bà trong khi đảng cầm quyền (Saenuri) không gây áp lực tương tự với nữ tổng thống", ông nói.

Giới báo chí vẽ lên hình ảnh một tổng thống yếu đuối nhưng trên thực tế, bà Park vẫn không chọn cách từ chức để giải tỏa áp lực từ phía dư luận.

Đảng đối lập còn yếu

Theo giáo sư về quan hệ quốc tế Dave Kang tại Đại học South California, mặc dù có chung quan điểm muốn Park Geun Hye từ chức, các đảng đối lập lớn vẫn chưa nhận được sự ủng hộ từ người dân.

"Mọi người đều biết rằng sẽ có một khoảng trống quyền lực nếu bà ấy từ chức... Đó là lý do phe đối lập không đưa ra lý lẽ luận tội. Nếu bà Park từ chức, cuộc bầu cử mới sẽ được tiến hành sau đó 60 ngày và (đảng đối lập) vẫn chưa sẵn sàng nắm quyền", vị giáo sư phân tích đồng thời cảnh báo nguy cơ bất ổn chính trị nếu tổng thống Hàn Quốc từ bỏ vị trí hiện tại.

Sở hữu quyền miễn trừ truy tố

Một khi vẫn là tổng thống, bà Park vẫn được hưởng quyền miễn trừ truy tố, trừ khi phạm tội phản quốc.

Bà Park Geun Hye chụp cùng cha, cựu Tổng thống Park Chung Hee. Ảnh: Fullkorea.

Bà Park buộc phải từ chức chỉ khi bà thực sự có tội và để lộ "dấu vết". Tính đến thời điểm hiện tại, các công tố viên Hàn Quốc mới chỉ chính thức truy tố người bạn thân "pháp sư" và hai cựu trợ lý thân tín của Tổng thống Park Geun Hye.

Gia thế của bà Park

Bà Park là con gái của ông Park Chung Hee, tổng thống Hàn Quốc nhiệm kỳ 1961-1979, người bị ám sát bởi chính giám đốc tình báo nước này. Vụ việc xảy ra chỉ 5 năm sau khi mẹ bà lĩnh nhầm viên đạn vốn nhằm vào chồng.

Là con gái cựu tổng thống Hàn Quốc, bà Park đã phải trải qua quá trình chiến đấu lâu dài và khó khăn để được trở lại Nhà Xanh và trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Bà chắc chắn sẽ không từ bỏ vị trí này một cách dễ dàng.

Mai Anh (theo CNN)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vi-sao-tong-thong-han-quoc-khong-tu-chuc-post699787.html