Vì sao tôi đã không phản ánh một chuyện sai?

Bất luận làm việc gì cũng vậy, phải nhất nhất tôn trọng sự thật. Làm báo càng phải vậy. Nhưng một phần sự thật có phải là sự thật? Xin kể một chuyện tôi được chứng kiến việc xóm làm sai, nhưng tôi đã không viết, và tôi không ân hận vì điều đó.

Cách đây 2 năm, tôi về nhà bạn, thấy bố bạn đi xe máy đắt tiền, cầm về một đùm gạo. Ông bảo đây là gạo hỗ trợ người nghèo, xóm phát cho nhà ta. Tôi ngạc nhiên, còn bạn tôi nhảy dựng lên, sao bố lại làm thế??? Lúc đó, trong đầu chúng tôi xuất hiện bao nhiêu là câu hỏi.

Ông bố bạn tôi bảo, gượm đã, tao nói cho mà nghe, đừng xồn xồn như vậy.

Ông nói: Xóm ta xưa nay đoàn kết, tương thân tương trợ. Chuyện gì mọi người cùng chia sẻ, giúp đỡ, cưu mang lẫn nhau, tinh thần cộng đồng rất cao. Xóm ta có 5 hộ thực sự là nghèo. Khi được xét, thì 5 hộ nghèo thật lại “nhường 5 suất hộ nghèo” cho 5 hộ có con đi học đại học ở Hà Nội, vì làm nông như nhau cả, có con đi học đại học nó ngốn tiền như lá, tuy nhà không nghèo nhưng hễ con hỏi tiền là đi vay khắp xóm, ai cũng biết. Việc này biết là sai, nên xóm trưởng đưa ra hỏi ý kiến trong buổi họp xóm.

Tại buổi họp xóm, thấy 5 hộ nghèo thật một mực nhường cho 5 hộ có con đang học đại học, ai cũng nể, cũng thương. Vì nếu được công nhận hộ nghèo thì xóm sẽ có 5 sinh viên chắc chắn vượt qua khó khăn để tốt nghiệp đại học. Vì được công nhận hộ nghèo thì sẽ được vay vốn, được hưởng một số chế độ miễn giảm... Ai cũng đồng ý việc “giàn xếp” như thế, vì đó cũng là cách “tương thân tương ái” theo cách nghĩ của người thôn quê bao đời mộc mạc chân chất. Việc đó xong và êm.

Đến khi được “trên” trợ cấp gạo cho 5 hộ nghèo, “trên” yêu cầu cứ danh sách ai được công nhận là hộ nghèo thì được nhận gạo, 5 nhà có con đi học đương nhiên được nhận gạo vì họ được công nhận là hộ nghèo. Thế nhưng, 5 hộ có con đi học bảo chúng tôi được “nhường” cái “danh” hộ nghèo rồi, còn bây giờ “thực” thì phải chuyển cho 5 hộ thật sự nghèo kia. Xóm mời 5 hộ nghèo thật kia lên nhận, 5 hộ nghèo kia bảo chúng tôi cảm ơn nhưng không đúng đối tượng nên không nhận, nếu họ điều tra thấy sai đối tượng thì rầy ra chết.

Xóm họp, có ý kiến cho rằng thôi thì chia đều, sai thì cả làng cùng sai, vì thương nhau mà sai. Ý kiến này được đa số chấp nhận, vì coi như đây là quyết định có tính ưu việt nhất. Dù ít dù nhiều, đều phải chia đều cả xóm.

Ông nói tiếp, nhận là nhận vậy thôi, nhưng mọi người đã rỉ tai sẽ tự động chuyển cho 5 hộ nghèo thật kia. Thế là đường nào cũng được. Thế là, đâu lại được vào đấy, mà chẳng ai phải mất lòng hay ngại ngùng gì cả.Ông bố bạn tôi bảo, đó là lý do mà ông nhận đùm gạo về.

Tôi nghĩ, nếu tôi một mực khẳng định họ làm sai, (và việc này có thể lắm chứ), thì tôi có thể viết dưới dạng các tít bài như: “Xóm trưởng nhận gạo hộ nghèo chia đều cả xóm?”. Hoặc “Cả xóm được nhận gạo hộ nghèo?”. Hoặc tôi sẽ đi tìm một nhà nào đó thật giàu của xóm, nhà có 2 tầng, thậm chí có xe ô tô, chụp lấy mấy bức ảnh, rồi viết: “Những nhà giàu nhận gạo trợ cấp của người nghèo”. Nói thật nhé, có mà chạy đằng trời. Ai giám kiện, giám ý kiến ý cò rằng tôi đã viết sai.

Nhưng bạn ạ, tôi đã không viết.

Tôi nghĩ, có một sự thật khác cao xa hơn, đó là hãy để cho người dân tự giải quyết, họ biết cách để đảm bảo sự công bằng hơn chúng ta tưởng. Công bằng, nó cũng có tính tương đối, công bằng theo thời gian, kiểu “chuyện đâu có đó”, chứ người quê hình như không cảm nhận công bằng theo kiểu không sòng phẳng tức thời.

Sau này tôi vẫn về nhà bạn chơi, xóm vẫn bình yên, đầm ấm, kinh tế phát triển. Tôi hài lòng vì mình không viết bài. Bởi, không vì mình có điều kiện tiếp cận thông tin, trong khi người khác chưa tiếp cận, mà mình đăng tin vội vàng, tùy tiện. Hoặc không vì mình có lợi thế là cơ quan ngôn luận, mà nói lấy được.

Chí Linh Sơn

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/su-kien-dien-dan/201610/vi-sao-toi-da-khong-phan-anh-mot-chuyen-sai-2748820/