Vì sao thống kê Việt Nam thiếu chuyên nghiệp?

Câu hỏi của đề bài đã được đặt ra gần 30 năm nay, ít nhất là từ 1989, khi Việt Nam thực sự bắt đầu đi vào thời kỳ đổi mới kinh tế và cũng là lúc tôi có cơ hội tham gia vào việc đổi mới thống kê ở Việt Nam. Sau sự chuyển động đáng kể về thống kê, từ hệ thống của Liên Xô dựa chủ yếu vào báo cáo sang hệ thống của Liên hiệp quốc dựa chủ yếu vào điều tra thống kê, hệ thống thống kê Việt Nam đã có một sự thay đổi đáng kể, ít nhất là về số lượng thống kê được xuất bản. Nhưng từ đó có một số thay đổi làm số lượng và chất lượng thống kê giảm.

Số liệu thống kê không chính xác sẽ ảnh hưởng đến chính sách điều hành kinh tế. Ảnh: Minh Khũe

Bản thân ngành thống kê có thể làm hơn, theo đúng đề nghị của Liên hiệp quốc nhưng đã làm phiến đi. Điều này liên quan đến bốn vấn đề chính: nội dung thống kê, thời gian công bố, phân chia trách nhiệm và thu nhập của cán bộ thống kê. Điều cuối cùng tôi sẽ không nói nhiều vì bộ phận làm thống kê là cán bộ ăn lương nhà nước, nên không có lý gì phải tạo thu nhập thêm qua dịch vụ cung cấp thống kê có phí.

Về nội dung thống kê, có thể nói nhiều chỉ tiêu được xây dựng trước đây đã bị cắt giảm, đặc biệt là các chỉ tiêu về các khu vực thể chế của tài khoản quốc gia. Ví dụ, ngay về hoạt động của khu vực nhà nước - chiếm tỷ lệ lớn trong GDP, chỉ còn thống kê về GDP từ khu vực nhà nước nói chung, chứ không còn thống kê cụ thể về khu vực dịch vụ công và khu vực doanh nghiệp nhà nước cùng chi tiết hoạt động. Điều cần làm là ngành thống kê phải thiết kế lại để phục vụ người sử dụng (Chính phủ, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và người dân và các cơ quan quốc tế). Cần có những hội nghị thường xuyên mở rộng cho dư luận để người sử dụng có tiếng nói chính thức.

Về thời gian công bố, đến nay là tháng 8-2016 nhưng Tổng cục Thống kê (TCTK) chỉ công bố số liệu đến năm 2014 (các số liệu công bố thường thấy chỉ là số ước tính - TS), trong khi giá trị thống kê đối với người sử dụng tùy thuộc vào tính cập nhật của nó.

Về phân chia trách nhiệm, vai trò của TCTK dường như rất khiêm tốn, vì vai trò quản lý nhà nước ngành thống kê được giao cho Chính phủ, chủ yếu là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành chuyên môn và UBND cấp tỉnh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp). Vấn đề thanh tra và kiểm tra thống kê cũng thế, ở trung ương thì giao cho trung ương, ở tỉnh thì giao cho tỉnh. Không hiểu với Luật Thống kê mới (năm 2015), cơ quan chuyên môn về thống kê ở Việt Nam có quyền “quyết định dựa hoàn toàn vào tính chuyên nghiệp, gồm các nguyên tắc khoa học và đạo đức nghề nghiệp, đối với phương pháp, thủ tục thu thập, xử lý, lưu giữ và trình bày thống kê” hay không? Họ “có quyền có ý kiến về diễn giải và sử dụng sai thống kê” hay không? Đây là những nguyên tắc cơ bản mà Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên hiệp quốc khuyến cáo các nước.

Chính vì thế, sau khi đánh giá số liệu thống kê không xác thực nhiều lúc đã làm Chính phủ rất lúng túng trong điều hành kinh tế, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đặt câu hỏi là tại sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại đưa ra con số xuất khẩu heo khác với của Bộ Công Thương, và tự hỏi con số nào đúng. Điều trên xảy ra vì mọi cơ quan trung ương theo Luật Thống kê đều có quyền đưa ra số liệu. Trong khi đó, người làm chuyên ngành thống kê đều biết rằng số liệu xuất, nhập khẩu ở nước nào cũng thế, là trách nhiệm của thống kê hải quan, và sau đó được TCTK điều chỉnh để bao gồm thêm nhập lậu qua biên giới, cũng như sự khác biệt về cách đo giá trị (phải đo bằng hai giá trị, giá FOB là giá có thể so sánh với giá xuất từ hải quan nước đối tác và giá CIF là giá nhập kho nước sở tại, có tính thêm phí vận chuyển và bảo hiểm).

Trước sự thiếu tin cậy trong thống kê GDP các tỉnh, Tổng cục trưởng TCTK phát biểu từ năm 2017, TCTK sẽ tính và công bố GRDP cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Không biết Chính phủ và địa phương có đồng ý với ý kiến xác đáng trên không, nhưng rất ngạc nhiên là Phó thủ tướng lại đặt câu hỏi chuyên gia thống kê thừa ra sẽ làm gì. Việc tính toán GDP địa phương theo phương cách mới như trên đã được thực hiện ở hầu hết các nước trên thế giới, không chỉ để tránh bệnh khoa trương thành tích mà còn vì việc tính GDP đòi hỏi nghiệp vụ cao và có nhiều thông tin địa phương không thể có được.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/150457/vi-sao-thong-ke-viet-nam-thieu-chuyen-nghiep.html/