Vì sao thành phố ngập?

Cho đến nay, hai bản quy hoạch chống ngập quan trọng nhất của TP.HCM là Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2008, gọi tắt là Quy hoạch 1547) và Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020 (được Thủ tướng phê duyệt năm 2001, gọi tắt là Quy hoạch 752).

Tháng 6-2016, thành phố đã triển khai dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng theo Quy hoạch 1547. Thế nhưng tình trạng ngập úng ở đô thị đông dân nhất cả nước này vẫn xảy ra thường xuyên, mà một trong những nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là do Quy hoạch 752 không còn phù hợp, các dữ liệu đầu vào để tính toán 752 đã quá lạc hậu!

Theo Quy hoạch 752, tần suất thiết kế hệ thống thoát nước tương ứng với mưa có vũ lượng trong 3 giờ là 95,91mm (kênh rạch), 85,36mm (cống cấp 2) và 75,88mm (cống cấp 3), tương ứng với mực nước triều 1,32m. Thế nhưng, hơn 10 năm trở lại đây đã xuất hiện 30 trận mưa (bình quân 3 lần/năm), đặc biệt, trong 2 năm 2013 và 2014 có đến 3 trận mưa mà chỉ trong 60 phút vũ lượng đã đạt tới 100 - 122mm.

Nguyên nhân gây ngập thứ hai - thủy triều - cũng đã gia tăng vượt dự tính. Thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều xâm nhập từ biển Đông thông qua hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai và sông Vàm Cỏ Đông. Trong 27 năm (từ 1980 - 2007) đỉnh triều cao nhất tại trạm Phú An luôn ở dưới mức 1,5m. Nhưng từ năm 2008 đến nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đỉnh triều đã vượt trên mức 1,5m. Tần suất xuất hiện đỉnh triều ngày càng gia tăng: Nếu như từ năm 2006 - 2010 tần suất xuất hiện đỉnh triều trên 1,5m chỉ có 15 lần, thì từ năm 2011- 2015 đã có tới 79 lần, đặc biệt có những lúc đỉnh triều đã chạm mức 1,68m.

Cuối cùng, cơ sở hạ tầng thoát nước không đáp ứng được quy mô gia tăng dân số. Quy hoạch đô thị Sài Gòn trước năm 1975 ước tính dân số khoảng 2 triệu người, trong khi dân số hiện tại đã lên tới 10 triệu người, chưa tính khách vãng lai. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước không được đầu tư, cải tạo tương xứng, thậm chí các tuyến sông, kinh rạch thoát nước bị bồi lắng, tắc nghẽn dòng chảy, cửa xả; bị san lấp, lấn chiếm thu hẹp dòng chảy…

Rõ ràng, bên cạnh việc tăng cường quản lý hệ thống thoát nước, một cuộc khảo sát toàn diện và thận trọng là cần thiết để cung cấp những thông số đầu vào chính xác hơn làm cơ sở cho việc đề xuất giải pháp hữu hiệu cho tình trạng ngập úng ở TP.HCM.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/vi-sao-thanh-pho-ngap.aspx