Vì sao rượu pha cồn methanol gây chết người?

Các chuyên gia đều nhân định nguyên nhân gây ngộ độc chết người là do rượu pha cồn methanol.

Một ca ngộ độc rượu methanol

Ngày 23/3, tại tọa đàm "Ngộ độc rượu methanol - Thực trạng và giải pháp" do Hội Bia - Rượu _ Nước giải khát Việt Nam cùng các bộ ngành liên quan tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng không nên đánh đồng rượu sản xuất truyền thống và rượu pha cồn methanol.

BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cho biết, nhưng năm gần đây số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu methanol ngày một báo động. Gần đây là hàng loạt các vụ ngộ độc nghiêm trọng, khiến nhiều người tử vong hoặc phải chịu di chứng mù lòa, tổn thương não. Mà nguyên nhân chính là do ngộ độc methanol có trong rượu. “Điều này cho thấy việc lạm dụng methanol một cách cố ý trong pha chế rượu. Lượng khá lớn các loại cồn methanol tuồn ra ngoài dùng sai mục đích cần được giải quyết…Người tiêu không thể phân biệt được đâu là rượu methanol, đâu là rượu thông thường, do vậy trách nhiệm cơ quan chức năng cần được thể hiện trong việc quản lý từ các khâu sản xuất, kinh doanh chứ không thể bắt người tiêu dùng thông thái”, BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết.

Còn theo PGS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Khoa học công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa, rượu thủ công hay còn gọi là rượu truyền thồng thường được sản xuất từ phương pháp lên men thủ công, dễ tạo ra methanol do chỉ chưng cất 1 lần. Tuy loại rượu này có độc nhưng thường không gây chết người. Tuy nhiên với rượu pha chế, dùng cồn công nghiệp có hàm lượng methanol, hoặc cồn methanol lại thường có độ độc rất cao và gây chết người. Chính vì vậy để giảm thiểu các vụ ngộ độc chết người vì rượu methanol thì việc đầu tiên phải cấm tuyệt đối sử dụng công công nghiệp và cồn methanol trong pha rượu. Đồng thời, quản lý chặt chẽ hai nguồn cồn này.

Đề xuất về các biện pháp phòng chống ngộ độc methanol, ông Thịnh cho rằng, bên cạnh việc cấm tuyệt đối sử dụng công công nghiệp trong pha chế rượu, các cơ quan chức năng cần kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất rượu; hướng dẫn cho người dân quy trình công nghệ tốt nhất trong sản xuất rượu; đồng thời chủ động sản xuất thiết bị dụng cụ dùng nấu rượu để giảm thiểu methanol xuống dưới mức quy định. Còn người tiêu dùng nên chủ động sử dụng các loại rượu có nguồn gốc rõ ràng...

Như thông tin đã đưa trong 3 tháng đầu năm, chỉ riêng Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai đã tiếp nhận gần 30 ca ngộ độc rượu methanol, trong đó 15 ca tử vong, số ít phục hồi, còn lại đều chịu di chứng như giảm thị lực, tổn thương não

Tú Uyên

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/vi-sao-ruou-pha-con-methanol-gay-chet-nguoi-d201135.html