Vì sao 'rồng lửa' HQ-9 của Trung Quốc bất lực trước F-22 Mỹ?

Tạp chí quân sự Defence Weekly khẳng định, hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc không phải là mối đe dọa quá lớn đối với máy bay tàng hình thế hệ năm F-22 Raptor của Mỹ.

Trung Quốc khai hỏa hệ thồng phòng không HQ-9. Ảnh: Sina

HQ-9 được coi là hệ thống phòng không tương đối hoàn hảo của Trung Quốc, có thể theo dõi đồng thời nhiều mục tiêu ở khoảng cách 300 km và tiêu diệt sáu mục tiêu cùng một lúc.

Hệ thống HQ-9 có tầm bắn 200 km với độ cao tác chiến tối đa 30 km.

Tuy nhiên, máy bay chiến đấu thế hệ năm F-22 của Mỹ cho đến thời điểm này vẫn là “cỗ máy chiến tranh” tinh tế và linh hoạt. Cùng với máy bay ném bom chiến lược B-2, F-22 đã trở thành lực lượng tác chiến trên không đáng gờm, và điều này đã được chứng minh trong chiến dịch quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria.

Ngoài ra, với việc được trang bị tên lửa AIM-9X và AIM-120D, F-22 có thể chủ động thực hiện tấn công các mục tiêu mặt đất, bao gồm các hệ thống phòng không của đối phương.

Theo giới phân tích, với công nghệ tàng hình thế hệ mới và sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống dẫn đường vệ tinh, F-22 có thể bay tới gần nơi bố trí các hệ thống phòng không và rút lui an toàn sau khi phá hủy hệ thống phòng không của đối phương, và HQ-9 không phải ngoại lệ.

Hệ thống HQ-9 được Trung Quốc phát triển từ năm 1980, ban đầu được dựa theo tên lửa phòng không Patriot của Mỹ nhưng sau đó, Bắc Kinh mua được S-300PMU từ Nga và đã mổ xẻ để sao chép gần như toàn bộ hệ thống thống này.

Trung Quốc hoàn thành phát triển HQ-9 phiên bản đầu vào năm 1997, tuy nhiên, chỉ có một số ít hệ thống được bàn giao cho quân đội Trung Quốc.

HQ-9 sử dụng tên lửa động cơ nhiên liệu rắn, có khả năng chỉnh hướng phụt như tên lửa 5V55К, 5V55R, 48НNЕ, 48N6Е2 của S-300. Tên lửa này có trọng lượng 1.300 kg, dài 6.8 m với đầu đạn nặng 180 kg. Trung Quốc cho biết, tên lửa này có thể đạt tốc độ Mach 4.2 (khoảng 1400 m/s) nhưng chưa được kiểm chứng.

Thời gian để chuẩn bị tác chiến của HQ-9 khoảng 6 phút, thời gian phản ứng với mục tiêu là từ 12-15 giây. Bán kính diệt mục tiêu của HQ-9 là 35 m, ngòi nổ có thể được kích hoạt khi cách mục tiêu 5 km.

Trung Quốc luôn khẳng định HQ-9 phải tương đương sức mạnh của S-300 hoặc thậm chí là S-400, tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Nga và phương Tây đánh giá HQ-9 chỉ như một hệ thống S-300 đời đầu mà thậm chí còn chưa hoàn thiện hết.

Bên cạnh đó, với thời gian triển khai khá lâu (6 phút), nó dễ dàng trở bị tiêu diệt bởi nhiều loại máy bay tốc độ cao hoặc có khả năng tàng hình trước radar như F-22 và F-35 của Mỹ.

Tùng Dương

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/vi-sao-rong-lua-hq9-cua-trung-quoc-bat-luc-truoc-f22-my-1134908.tpo