Vì sao Quảng Ninh ' mạnh tay' đầu tư hạ tầng?

Năm 2016, Quảng Ninh được ví von như một 'Đại công trường' với các dự án xây dựng từ giao thông đến hạ tầng nông lâm nghiệp, điện lưới, y tế, giáo dục đồng loạt xây dựng ở khắp các địa phương trên toàn tỉnh

Trong những năm qua, Quảng Ninh đã xác định 3 đột phá chiến lược: đầu tư về hạ tầng; cải cách hành chính; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt, ưu tiên cho nguồn nhân lực chất lượng cao.

Với việc đặt nhiệm vụ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ lên nhóm đầu trong 3 khâu đột phá chiến lược mà tỉnh đã đề ra, Quảng Ninh dồn sức đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư.

Tổ hợp dự án Công viên Đại Dương tại TP Hạ Long đang được hoàn thiện Ảnh:Theo investingquangninh

Tổ hợp dự án Công viên Đại Dương tại TP Hạ Long đang được hoàn thiện Ảnh:Theo investingquangninh

Hiện Quảng Ninh được đánh giá là tỉnh đứng đầu trong các địa phương thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và là tỉnh đầu tiên được Chính phủ giao làm đường cao tốc bằng vốn xã hội hóa.

Nhờ thu hút được nguồn lực này mà đến nay Quảng Ninh được ví như một “đại công trường”, khi khu vực miền Tây đang sôi động với các dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, dự án đường Bắc Ninh - Uông Bí; khu vực miền Đông đang cũng tấp nập với những dự án được xem sẽ là động lực phát triển cho khu kinh tế Vân Đồn như: Cảng hàng không Quảng Ninh, đường dẫn và cầu Bắc Luân II; còn khu vực trung tâm của tỉnh là tuyến cao tốc xuyên suốt Hạ Long - Vân Đồn với số vốn đầu tư kỷ lục đạt hơn 12.000 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa...

Những công trình này sẽ cơ bản đáp ứng được yêu cầu kết nối, lưu thông hàng hóa Vùng Đồng bằng Bắc Bộ với cửa khẩu, thúc đẩy đầu tư thành chuỗi liên kết bền vững, rút ngắn thời gian và lộ trình đến Quảng Ninh từ khắp nơi trên thế giới.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đã chủ động mời các tư vấn nước ngoài xây dựng một loạt các quy hoạch chiến lược. Trên cơ sở các quy hoạch được phê duyệt, tỉnh đã huy động tối đa nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng.

Ngoài những dự án giao thông lớn đang được triển khai trên địa bàn thì giao thông nội thị cũng được tỉnh tập trung đầu tư, cải tạo; hàng loạt khu đô thị mới được triển khai xây dựng. Các công trình hạ tầng đô thị được đầu tư đã góp phần mở rộng không gian đô thị, phát triển KT-XH, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, phục vụ mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp.

Cùng với đó, việc huy động vốn đầu tư hạ tầng nông, lâm nghiệp cũng đạt kết quả cao. Nhiều công trình, dự án đã và đang được triển khai thực hiện và việc xây dựng hạ tầng nông, lâm nghiệp góp phần nâng cao năng lực phục vụ sản xuất, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai; hệ thống đê, sông ngòi lớn được nâng cấp vững chắc, nhiều công trình phát huy được hiệu quả đa mục tiêu.

Quảng Ninh hiện đang được đánh giá là trung tâm nhiệt điện lớn của cả nước và được Chính phủ ghi nhận với cố gắng đưa điện lưới ra đảo Cô Tô, đảo Trần và các xã đảo Vân Đồn cũng như khu vực vùng sâu, vùng xa. Đến nay, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia toàn tỉnh đạt 99,85%.

Một số dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục cũng được đầu tư, xây dựng với các trang thiết bị hiện đại, đạt trình độ cao; áp dụng tin học, điện tử trong khám chữa bệnh và giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và nâng cao trình độ học vấn của nhân dân.

D.Minh (tổng hợp)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/vi-sao-quang-ninh-manh-tay-dau-tu-ha-tang-339863.html