Vì sao Quân đội Trung Quốc 'hùng mạnh' vẫn bị Mỹ và phương Tây xem nhẹ

Tính đến năm 2016, theo thống kê của nhiều trang web về dữ liệu quân sự, Trung Quốc được coi là nước đang sở hữu quân đội hùng mạnh thứ 2 chỉ sau Mỹ, với nhiều mặt "ngang ngửa" với cường quốc số một Thế giới. Tuy nhiên những thống kê đó có phản ánh được thực lực của quân đội này?

Quân đội Trung Quốc hiện vẫn trong giai đoạn hiện đại hóa toàn diện

Việc Quân đội Trung Quốc liên tục ra mắt các thế hệ vũ khí, khí tài hiện đại, hoàn toàn mới, đã thu hút nhiều giấy mực của báo chí Thế giới trong nhiều năm qua.

Mặc dù vậy các loại trang bị mới chỉ là một thành phần trong kế hoạch dài hạn, đa chiều, nhằm hiện đại hóa toàn bộ Quân đội Trung Quốc. Còn rất nhiều việc họ phải làm để có thể hoàn thành mục tiêu trên.

Các cây bút của trang warontherocks.com dựa trên chính các bài viết của giới chỉ huy và sỹ quan cấp cao Quân đội Trung Quốc, đăng trên các tờ báo, tạp chí nội bộ của nước này, đã chỉ ra các điểm yếu lớn, khiến Quân đội Trung Quốc chưa thể sánh ngang với các lực lượng tiên tiến khác trên Thế giới như Nga, Mỹ, châu Âu.

Giới Chỉ huy và sỹ quan cao cấp thiếu kinh nghiệm

Trong thời điểm Quân đội Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết của việc nâng cao năng lực kết hợp giữa vũ khí trang bị và khả năng phối hợp tác chiến, một lời chỉ trích phổ biến là "một số" chỉ huy và sỹ quan cấp cao không được chuẩn bị đầy đủ cho các nhiệm vụ có sự tham gia cùng lúc của nhiều quân binh chủng và nhiều loại khí tài khác nhau.

Kết quả là rất nhiều chương trình huấn luyện đã được thực hiện theo phương châm: "Một quân đội mạnh đầu tiên cần tướng tài; huấn luyện sỹ quan chỉ huy trước, huấn luyện binh sỹ sau".

Cụ thể, Quân đội Trung Quốc hiện nhấn mạnh công tác chỉ huy hoạt động tác chiến ở cấp độ quân đoàn/lữ đoàn, so với trước đó tập trung ở cấp độ cao hơn như quân đội hoặc quân khu.

Rất ít chỉ huy cấp cao của Trung Quốc có kinh nghiệm thực chiến (Ảnh: China Daily)

Chỉ trong vòng 2 năm qua, các sỹ quan chỉ huy lực lượng Hải quân và Không quân Trung Quốc mới bắt đầu chỉ huy các cuộc tập trận chung. Vào cuối năm 2014, Quân đội Trung Quốc công bố chương trình "lựa chọn, huấn luyện, đánh giá và bổ nhiệm các sỹ quan chỉ huy để nâng cao công tác huấn luyện cấp cao".

Mặc dù vậy, việc đào tạo sỹ quan chỉ huy cấp cao là một quá trình dài hạn, bao gồm đào tạo, huấn luyện, và kinh nghiệm thu được thông qua các bài tập ở các cấp độ khác nhau trong quân đội.

Vũ khí, khí tài thuộc nhiều thế hệ khác nhau

Bởi quy mô quá lớn, Quân đội Trung Quốc đối mặt với thách thức lớn về việc trang bị đồng bộ cho toàn bộ quân đội, dẫn tới việc các đơn vị thuộc các quân binh chủng được trang bị vũ khí thuộc nhiều thế hệ khác nhau.

Việc đưa vào trang bị vũ khí, khí tài mới không thể được thực hiện đồng loạt mà theo nhiều đợt kéo dài. Điều này dẫn tới việc trong cùng một đơn vị cũng có thể tồn tại sự khác biệt lớn vệ trang bị.

Mặc dù đang hoàn thiện việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 J-20 siêu hiện đại, xuất khẩu xe tăng VT-4 đi khắp Thế giới...

Ví dụ, một nửa trong số 6.500 xe tăng của Trung Quốc là loại Type-59 và các phiên bản của nó (dựa trên tăng T-55 của Liên Xô), chúng đều đã cũ kỹ, lỗi thời. Điều này dẫn tới việc thường xuyên xảy ra các vấn đề trong thông tin liên lạc, và do sự khác biệt giữa các thế hệ máy tính, thiết bị điện tử.

...Song quân đội Trung Quốc vẫn còn trong trang bị các loại vũ khí đã "lên lão" như xe tăng Type-59 và tiêm kích J-7 (dựa trên xe tăng T-54 và tiêm kích MiG-21 của Liên Xô cũ)

Hơn thế nữa, việc có quá nhiều thế hệ vũ khí trong cùng một đơn vị sẽ làm cho công tác huấn luyện, triển khai chiến thuật chiến đấu trở nên phức tạp hơn; công tác duy tu, bảo dưỡng, sữa chữa vất vả, tốn kém hơn. Điều này dẫn tới việc các đơn vị thường xuyên phải điều chỉnh chiến thuật dựa trên loại vũ khí, trang bị mà họ hiện có.

Mặc dù Quân đội Trung Quốc có mục tiêu tăng cường tiêu chuẩn hóa trang bị và khả năng tương tác giữa các đơn vị, nhưng sự thật về việc có quá nhiều thế hệ vũ khí khác nhau đã làm cho việc đạt được mục tiêu trên trở nên khó khăn hơn cho họ rất nhiều.

Công tác huấn luyện thiếu thực tế

Tiếp tục xu thế trong vòng 15 qua, "tăng cường tính thực tiễn trong huấn luyện" là một mục tiêu chính của Quân đội Trung Quốc. Mặc dù vậy nhiều chuyên gia đã lên tiếng chỉ trích "chủ nghĩa hình thức" trong công tác huấn luyện của quân đội nước này, rằng huấn luyện "chỉ để trình diễn" đã làm giảm giá trị thực sự của nó.

Ví dụ điển hình là việc một số đơn vị "quân xanh chuyên nghiệp" được xây dựng chỉ nhằm mục đích đóng vai "quân địch" trong các buổi diễn tập. Trong khi đó mục tiêu lớn trong phần lớn mọi buổi diễn tập đều "chung chung" là nhằm tìm ra điểm yếu để có thể khắc phục trong tương lai.

Công tác huấn luyện của Trung Quốc được cho là "trọng hình thức" hơn yếu tố thực tiễn (Ảnh: Yibada)

Màn diễn tập "ném mìn xuống hố" rất nổi tiếng trên mạng internet của Quân đội Trung Quốc, ví dụ điển hình cho "bệnh hình thức" (Xem từ 1:25)

Bất chấp tiến bộ mà Quân đội Trung Quốc đã đạt được trong nỗ lực này, các cấp lãnh đạo nhận thức được rằng công tác huấn luyện của họ còn nhiều thiết sót. Hơn nữa, việc tăng cường tính thực tiễn trong huấn luyện sẽ đòi hỏi thêm kinh phí, đặc biệt là chi phí về nhiên liệu, bảo dưỡng, chi phí xây dựng các thao trường mới, mua sắm các hệ thống mô phỏng huấn luyện tốt hơn.

Sự phối hợp tác chiến giữa Không quân và Lục quân vẫn còn trong giai đoạn phát triển

Một trong những ví dụ điển hình của hoạt động tác chiến liên binh chủng là lực lượng không quân yểm trợ chiến dịch dưới mặt đất.

Với việc thêm các loại máy bay mới, vũ khí độ chính xác cao và các phương tiện liên lạc hiện đại được đưa vào trang bị, Quân đội Trung Quốc hiện chỉ đang trong quá trình thử nghiệm phương thức tốt nhất để thực hiện các chiến dịch tấn công hiệp đồng giữa Không quân và Lục quân.

Trung Quốc vẫn đang loay hoay trong việc triển khai các khí tài Không quân như trực thăng triến đấu thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực mặt đất

Hiện Lục quân vẫn đang thử nghiệm về mặt kỹ thuật cho các đơn vị nơi tiền tuyến có thể chỉ huy lực lượng máy bay và trực thăng chiến đấu hỗ trợ mình trong việc tấn công đối phương ở cự ly gần.

Vào năm 2014, Trung Quốc mới lần đầu tiên thử nghiệm một chiếc máy bay không người lái (UAV) thực hiện tấn công mặc đất. Trong khi đó Không quân thuộc Hải quân và lực lượng Không quân cũng mới chỉ bắt đầu tiến hành hiêp đồng tác chiến với nhau.

"Căn bệnh Hòa bình": Thiếu kinh nghiệm thực chiến

Một sự thật lịch sử ít người chú ý là việc từ khi chính thức thành lập tới nay, chiến dịch đổ bộ chiếm đảo Yijiangshan từ tay Quốc Dân Đảng năm 1955 được coi là kinh nghiệm phối hợp tác chiến nhiều quân binh chủng đầu tiên và duy nhất của Quân đội Trung Quốc từ đó cho tới nay!

Trận chiến lớn cuối cùng của Trung Quốc cũng đã từ năm 1979, tuy nhiên kéo dài trong thời gian rất ngắn và chỉ có sự tham gia của lục quân. Trong cả 2 trận chiến trên, số thương vong của Trung Quốc đều rất nặng nề.

Giới quân sự Trung Quốc thường gọi sự thiếu kinh nghiệm tác chiến hiện đại của quân đội nước này là "căn bệnh hòa bình".

Kể từ khi được chính thức thành lập, Quân đội Trung Quốc có rất ít kinh nghiệm thực chiến, đặc biệt là trong các trận chiến tổng lực quy mô lớn

Hiện tại, chỉ rất ít sỹ quan chỉ huy cấp cao của Trung Quốc từng tham gia thực chiến. Việc Trung Quốc gửi quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, tham gia cứu trợ thảm họa, và triển khai tới vịnh Aden bảo đảm an ninh hàng hải là những kinh nghiệm quý báu, song không thể thay thế cho kinh nghiệm thực chiến được.

Quân đội Trung Quốc học hỏi rất kỹ các cuốn chiến của quốc gia khác. Tuy nhiên học hỏi trong sách vở và thậm chí cả việc liên tục cải thiện các chương trình huấn luyện cũng không thể so sánh với mức độ căng thẳng, khó khăn, áp lực mà người lính phải trải qua trong những trận chiến dài ngày.

Bản thân giới lãnh đạo Quân đội Trung Quốc vào cuối năm 2014 từng thừa nhận: "trong một số mặt, chúng ta vẫn còn thua kém nếu so sánh với các quân đội tiên tiến nhất trên Thế giới và cần thêm nhiều nỗ lực để cải thiện".

Kết luận

Kể cả tính tới những tiến bộ lớn về năng lực tác chiến của Quân đội Trung Quốc, các lãnh đạo cấp cao trong giới quân sự nước này coi thời gian và con người là 2 yếu tố quan trọng trong việc hiện đại hóa thành công một quân đội, hơn là tiền bạc và khí tài trang bị. Theo đó, kế hoạch hiện đại hóa của họ sẽ còn tiếp tục được tiến hành theo nhiều tiến trình, kéo dài tới giữa thế kỷ 21 này.

Chính vì các điểm thiếu sót nêu ở trên, khiến giới lãnh đạo cấp cao Quân đội Trung Quốc buộc phải thận trọng trong việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp. Họ nhiều khả năng sẽ ưu tiên sử dụng các biện pháp ngăn chặn và các phương tiện "phi quân sự" để đạt được mục tiêu chiến lược, trong lúc kế hoạch hiện đại hóa quân đội tiếp tục được tiến hành.

Tuấn Ngọc (Theo warontherocks.com)

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/the-gioi/vi-sao-quan-doi-trung-quoc-hung-manh-van-bi-my-va-phuong-tay-xem-nhe-136057