Vì sao PPP vẫn khó áp dụng tại Bà Rịa - Vũng Tàu?

Việc triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, đô thị theo mô hình đối tác công tư (PPP) của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang gặp khá nhiều khó khăn.

Ảnh Internet

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, căn cứ vào danh mục các dự án đề xuất đầu tư theo hình thức PPP đã được UBND Tỉnh phê duyệt, giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn Tỉnh có 15 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 13.640 tỷ đồng. Trong 15 dự án nói trên, lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, môi trường có 11 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng và lĩnh vực nhà ở xã hội, trụ sở cơ quan đơn vị hành chính, sự nghiệp có 4 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 2.330 tỷ đồng.

Mới đây, UBND Tỉnh tiếp tục có công văn đề xuất bổ sung thêm 3 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP từ nay đến 2020, gồm: Dự án Bàu Trũng, 145 ha ở TP. Vũng Tàu; Kè hai bờ sông Dinh, đoạn từ cầu Long Hương đến cầu Nhà máy Nước TP. Bà Rịa và Dự án Nâng cấp Tỉnh lộ 52 ở TP. Bà Rịa.

Vẫn theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong số các dự án nói trên, riêng cầu Phước An đã có nhà đầu tư là Tập đoàn Đức Bình tham gia đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, các dự án còn lại chưa có nhà đầu tư. Hiện Sở đang hướng dẫn trình tự, thủ tục cho nhà đầu tư cầu Phước An lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng theo đúng quy trình.

Một dự án PPP có thời gian đầu tư tương đối dài, trong khi chính sách lại thường xuyên thay đổi. Việc chuyển tiếp từ chính sách này sang chính sách khác khiến nhà đầu tư rất lúng túng và các sở, ngành quản lý dự án cũng vướng trong việc áp dụng.

Nhiều chủ đầu tư cho biết, văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về đầu tư theo hình thức PPP chỉ dừng ở mức nghị định của Chính phủ nên hành lang pháp lý về hoạt động này vẫn còn phụ thuộc vào các luật như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công... Trong khi đó, các đạo luật này chủ yếu được xây dựng để điều chỉnh hoạt động đầu tư công, chưa đề cập sâu đến hình thức đầu tư PPP.

Vẫn theo các nhà đầu tư, một dự án PPP có thời gian đầu tư tương đối dài, trong khi chính sách lại thường xuyên thay đổi. Việc chuyển tiếp từ chính sách này sang chính sách khác khiến nhà đầu tư rất lúng túng và các sở, ngành quản lý dự án cũng vướng trong việc áp dụng.

Ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải cho rằng, để chuẩn bị thủ tục triển khai một dự án BOT hoặc một dự án BT, phải mất thời gian 4 đến 5 năm là quá dài. Do vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian triển khai dự án.

Theo ông Nguyễn Văn Đặng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong các loại hợp đồng của hình thức PPP, 2 loại hợp đồng đang được áp dụng nhiều nhất là BT và BOT. PPP là hình thức đầu tư giúp tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, tận dụng được nguồn lực tài chính và quản lý từ tư nhân, trong khi vẫn bảo đảm lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, cần phải tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, nhất là về mặt cơ chế thì hình thức đầu tư này mới phát huy tối đa được thế mạnh của mình.

Gia An

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/dau-tu/vi-sao-ppp-van-kho-ap-dung-tai-ba-ria-vung-tau-36876.html