Vì sao phải kiểm soát thủ tục hành chính?

Trong thực tiễn quản lý nhà nước, tương ứng với mỗi hoạt động đòi hỏi có những cách thức, trình tự giải quyết phù hợp với nội dung công việc cần giải quyết.

Thủ tục hành chính (TTHC) được hiểu là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức.

Cơ quan hành chính nhà nước không thể tùy tiện đặt ra các cách thức, trình tự giải quyết, các yêu cầu, điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính theo ý chí chủ quan của mình mà phải được pháp luật quy định.

TTHC được xem như là một công cụ chủ đạo để quản lý xã hội. Do vậy, Điều 8 Nghị định 63/2010/NĐ -CP ngày 08/6/2010 yêu cầu TTHC phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành hoặc trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành; do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành. TTHC phải đảm bảo nguyên tắc đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện; phù hợp với mục tiêu quản lý hành chính nhà nước; bảo đảm quyền bình đẳng của các đối tượng thực hiện, tiết kiệm thời gian và chi phí của cá nhân, tổ chức và cơ quan hành chính nhà nước; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả của các quy định về TTHC.

Thực tế có nhiều TTHC đã không đạt được hiệu quả quản lý như mong muốn. Một trong những nguyên nhân là do TTHC chỉ mang tính hình thức, việc cấp các loại giấy phép, giấy chứng nhận... không đi liền với quá trình kiểm tra, giám sát thực hiện, do vậy, nhiều tổ chức, cá nhân chỉ tập trung đáp ứng đủ những điều kiện để được cấp phép nhằm đối phó với cơ quan quản lý mà không chú trọng nhiều đến việc tuân thủ đầy đủ các điều kiện trong cả quá trình hoạt động. Mặt khác, cơ quan hành chính nhà nước cũng thường chỉ tập trung vào việc tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định hồ sơ để cấp giấy phép mà không chú trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đối tượng này sau khi được cấp giấy phép, giấy chứng nhận...

Để giải quyết thực trạng này, Nghị định 63 đã yêu cầu phải tổ chức đánh giá tác động của quy định về thủ tục hành chính. Thông qua việc đánh giá, các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL quy định về TTHC phải chứng minh được sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và hiệu quả của TTHC, chọn giải pháp hợp lý nhất, chi phí và rủi ro thấp nhất cho các đối tượng tuân thủ TTHC.

Phòng Kiểm soát TTHC, Văn phòng Bộ GTVT

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/Phap-luat/Phap-luat/Vi_sao_phai_kiem_soat_thu_tuc_hanh_chinh/