Vì sao nhiều tỉnh thành bị cắt giảm tỷ lệ ngân sách giữ lại?

Trong bối cảnh khó khăn về ngân sách hiện nay, việc tăng cường nguồn thu là điều cần thiết, đặc biệt là từ những tỉnh thành có mức điều tiết lớn về Trung ương như TP.HCM, Hà Nội hay Bình Dương. Nhưng mức cắt giảm khá lớn tỷ lệ ngân sách được giữ lại tại các địa phương này lại khiến chúng ta không thể không chú ý.

Câu chuyện về việc tiết giảm tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại ở TP.HCM từ mức 23% xuống còn 18% giai đoạn 2017-2020 là một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong nền kinh tế Việt Nam những ngày vừa qua. Việc thành phố giữ vai trò đầu tàu của nền kinh tế bị cắt giảm một khoản ngân sách ước chừng gần 4 tỉ USD/năm gây sự chú ý lớn đến mức có không ít người quên mất hoặc không biết một thực tế, đó là việc cắt giảm tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại này không chỉ diễn ra với TP.HCM mà là với khá nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng hay Bình Dương. Đó hầu hết đều là những thành phố đang có mức điều tiết ngân sách về Trung ương lớn nhất cả nước và có thể xem là những trọng điểm phát triển kinh tế chỉ sau TP.HCM mà thôi. Vậy, đâu là lý do phía sau của việc cắt giảm tỷ lệ ngân sách giữ lại tại nhiều tỉnh thành quan trọng một cách đồng loạt như vậy?

Theo lý giải chính thức của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 29.10 vừa qua, thì việc cắt giảm tỷ lệ ngân sách được giữ lại tại các địa phương như TP.HCM, Hà Nội hay Đà Nẵng là để chia sẻ khó khăn chung, “đồng cam cộng khổ” với các tỉnh thành khác trên cả nước vốn có nhiều khó khăn hơn như Cà Mau, Lạng Sơn, Cao Bằng… trong bối cảnh khó khăn về ngân sách như hiện nay, đặc biệt là trong hai năm 2017 và 2018 sắp tới (theo CafeF). Lý giải của Thủ tướng không phải là không có căn cứ, khi tình trạng huy động vốn cho ngân sách quốc gia được đánh giá sẽ phải chịu nhiều sức ép kể từ năm 2017, mà điển hình là việc Việt Nam sẽ không còn được vay vốn ODA ưu đãi với lãi suất thấp và thời gian trả nợ dài như trước nữa. Trong bối cảnh đó, việc tăng tỷ lệ cắt giảm ngân sách được giữ lại ở các tỉnh thành có mức điều tiết về Trung ương lớn để đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển là điều cần thiết.

Tuy nhiên, mức cắt giảm khá lớn tỷ lệ ngân sách được giữ lại tại các tỉnh thành này lại khiến chúng ta không thể không chú ý. Ngoài TP.HCM bị cắt giảm từ mức 23% xuống còn 18%, thì đáng kể nhất có thể kể đến Hà Nội khi bị cắt giảm từ mức 42% xuống còn 28%, hay như Đà Nẵng từ 85% xuống còn 68%, và Bình Dương là từ 40% xuống còn 36% (theo CafeF). Chỉ tính riêng TP.HCM, số thu ngân sách được giữ lại bị cắt giảm của thành phố tương ứng với tỷ lệ 5% là khoảng 85.000 tỉ đồng (tương đương gần 4 tỉ USD). Con số ngân sách bị cắt giảm của Hà Nội có lẽ cũng tương tự khi số thu ngân sách của thủ đô bằng khoảng 1/2 so với TP.HCM nhưng tỷ lệ bị cắt giảm lại cao hơn gần gấp 3 là 14%. Tính tổng cộng số ngân sách cắt giảm tại 4 tỉnh thành kể trên có thể lên tới trên 10 tỉ USD mỗi năm. Đó là một con số không hề nhỏ chút nào và có lẽ cần những lời giải thích cụ thể hơn từ phía Chính phủ cho việc sử dụng số ngân sách đó.

Có thể nhận thấy một điều, đó là áp lực lên Chính phủ trong các vấn đề về bội chi, thâm hụt ngân sách cũng như huy động nguồn lực ở thời điểm hiện tại là rất lớn. Có lẽ đó là lý do vì sao Chính phủ vừa mới đề xuất lên Quốc hội cho phép nâng chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ/GDP từ mức 50% hiện nay lên mức trần là 55%, nhưng có vẻ như không được nhiều đại biểu quốc hội đồng tình. Thực tế là nợ Chính phủ năm 2015 đã ở mức 50,3% GDP tức là đã vượt trần cho phép là 50%, và dự kiến trong giai đoạn 2016-2019 sẽ có thể đạt mức 53% do yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Quả thực là không dễ dàng để có thể cùng lúc hoàn thành cả hai mục tiêu là giảm bội chi và giữ nợ Chính phủ dưới mức trần cho phép với việc thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế đã đề ra.

Vì thế, nếu như quả thực Chính phủ tăng tỷ lệ cắt giảm ngân sách được giữ lại tại các tỉnh thành trọng điểm về phát triển kinh tế là để giải quyết những khó khăn về ngân sách quốc gia, cũng như những chi phí cần thiết để đầu tư phát triển cũng như tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn sắp tới, thì đó có thể là một lý do chấp nhận được. Nhưng nếu như lý do chính của việc cắt giảm đồng loạt đó là để trang trải những khó khăn cho các địa phương khác trên cả nước thì lại không hợp lý chút nào. Vì như vậy là đã đi ngược lại với nguyên tắc phân bổ hợp lý nguồn lực trong nền kinh tế. Khi nguồn lực của kinh tế Việt Nam vốn hữu hạn thì điều quan trọng nhất là nó cần được tập trung vào những trọng điểm phát triển nhất như TP.HCM hay Hà Nội vốn giữ vai trò là nơi sinh ra tiền nhiều nhất, chứ không phải là cắt giảm nó đi.

Vậy, Chính phủ sẽ phải làm gì để đạt được hiệu quả kinh tế lớn nhất với nguồn ngân sách không hề nhỏ vừa được tăng thêm, đủ để bù đắp lại những mất mát về tăng trưởng sau khi đã cắt giảm tỷ lệ ngân sách được giữ lại tại một loạt các trọng điểm phát triển kinh tế như TP.HCM hay Hà Nội? Không có nhiều lựa chọn trong trường hợp này, mà một trong số đó có lẽ là Chính phủ sẽ phải thúc đẩy các mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế nhiều nhất có thể, mở rộng và thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh trên cả nước trong năm 2017 và sau đó. Vì nếu như Chính phủ không có những động thái bù đắp lại những khoản mất mát về tăng trưởng tại các tỉnh thành như TP.HCM hay Hà Nội do bị cắt giảm ngân sách, thì tuyên bố tái cơ cấu nền kinh tế sẽ chỉ là vô nghĩa.

Nhàn Đàm

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/vi-sao-nhieu-tinh-thanh-bi-cat-giam-ty-le-ngan-sach-giu-lai-46284.html