Vì sao nhân chứng Mai Phương được ngồi trong phòng kín khai báo?

Trong buổi xét xử vụ hoa hậu Phương Nga bị tố cáo lừa đảo, chiếm đoạt 16,5 tỉ đồng của “đại gia” Cao Toàn Mỹ chiều 27.6, nhân chứng Nguyễn Mai Phương, người thường gọi là “người đàn bà bí ẩn”, được cho là “nắm giữ nhiều bí mật có thể làm sáng tỏ vụ án”, đã xuất hiện trước tòa khai báo theo lệnh áp giải trước đó.

Bị cáo Phương Nga trả lời trước phiên tòa. Ảnh Nam Dương

Sự “bí ẩn” của nhân chứng này càng trở lên bí mật hơn, khi bà Nguyễn Mai Phương được HĐXX cho phép ngồi trong phòng kín, cách biệt hoàn toàn với những người tham dự phiên tòa và giới báo chí. Chính điều này đã khiến cho dư luận đặt câu hỏi, vì sao HĐXX lại cho phép bà Nguyễn Mai Phương được “đặc cách” như thế? Điều này có tạo ra một tiền lệ xấu trong quá trình tố tụng, trong khi lẽ ra, bà Nguyễn Mai Phương phải xuất hiện công khai trước phiên tòa?

Ông Cao Toàn Mỹ tại phiên tòa. Ảnh: Nam Dương.

Luật sư Trần Phi Đại - Đoàn Luật sư TPHCM - phân tích, cho đến thời điểm hiện nay, địa vị pháp lý của bà Nguyễn Mai Phương trong vụ án này vẫn được xác định là người làm chứng. Theo quy định tại điểm a, khoản 3, điều 55 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 (còn hiệu lực đến 31.12.2017), người làm chứng có quyền yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của họ khi tham gia tố tụng. Do đó, nếu bà Nguyễn Mai Phương có yêu cầu thì HĐXX sẽ phải xem xét đến yêu cầu chính đáng của nhân chứng.

Luật sư Nguyễn Tiến Mạnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đồng tình với quan điểm này, thạc sĩ, luật sư Nguyễn Tiến Mạnh - Giám đốc Cty Luật TNHH Luật Hồng Long - bổ sung: Tại khoản 3, Điều 6, Thông tư liên tịch số 13/2013/TTLT-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao về Hướng dẫn thực hiện một số quy định của về bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người thân thích của họ trong tố tụng hình sự, đã quy định:

Giữ bí mật việc cung cấp chứng cứ, vật chứng, tài liệu có liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội, người phạm tội của người được bảo vệ khi họ yêu cầu hoặc xét thấy họ có thể bị nguy hiểm do việc cung cấp chứng cứ, vật chứng, tài liệu đó. Tùy từng vụ án cụ thể, trước khi đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần trao đổi thống nhất với cơ quan có trách nhiệm bảo vệ về việc áp dụng các hình thức để bảo đảm việc giữ bí mật cho người được bảo vệ như cấm ghi hình, ghi âm, chụp ảnh tại phiên tòa; không công bố họ tên, lai lịch của người được bảo vệ; cách ly người được bảo vệ và thực hiện việc hỏi kín đối với người được bảo vệ ...

Như vậy, việc nhân chứng Nguyễn Mai Phương được cách ly, ngồi trong phòng kín khai báo, là HĐXX đã thực hiện đúng quy định của pháp luật, chứ không phải tạo ra tiền lệ nào.

Nam Dương

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phap-luat/vi-sao-nhan-chung-mai-phuong-duoc-ngoi-trong-phong-kin-khai-bao-677567.bld