Vì sao người tiêu dùng vẫn chọn chợ truyền thống?

Mặc dù chưa có thống kê chính thức về tỉ lệ người tiêu dùng (NTD) tham gia mua hàng trong siêu thị và các chợ truyền thống, nhưng trên thực tế NTD Việt vẫn thích mua hàng tại các chợ truyền thống hơn.

 Ảnh minh họa: PV

Ảnh minh họa: PV

Lý do quan trọng nhất, là mua hàng tại chợ truyền thống giá rẻ hơn ít nhất từ 5-10%, được chọn mua những mặt hàng tươi sống “cá đang bơi”, “gà đang gáy”. Nhiều NTD cho rằng, những mặt hàng thực phẩm chỉ con nào “đánh vảy”, “vặt lông” là tươi ngon. Nhưng thực tế đang hoàn toàn ngược lại. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, thịt gia súc, gia cầm sau giết mổ được đưa vào làm mát ở nhiệt độ 0-4 độ C rồi pha lóc, cấp đông bảo quản trong điều kiện môi trường đảm bảo yêu cầu mới là thịt tươi, giữ được chất dinh dưỡng và đặc tính của thịt. Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cũng khẳng định: Sử dụng thịt mát, thịt cấp đông sẽ kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc và ATTP. NTD có thể truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Thịt sau giết mổ nếu không được bảo quản đúng cách sẽ bị vi sinh vật xâm nhập và phân hủy, làm ảnh hưởng đến chất lượng thịt. Thế nhưng, hiện nay thịt gia súc, gia cầm “đổ” về tại các chợ truyền thống phần lớn đều được giết mổ tươi, không được làm mát, cấp đông theo quy định, nên thực tế, nhìn có vẻ tươi nhưng khả năng đã bị nhiễm khuẩn, chưa kể trong quá trình bán ở nhiệt độ ngoài trời trong thời tiết mùa hè, đến trưa là chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng trong thịt đã bị biến đổi. Bên cạnh đó, nhiều tiểu thương tự tìm mua gia súc, gia cầm trong dân, tự giết mổ tại gia đình trong điều kiện vệ sinh (nguồn nước, môi trường) không đảm bảo, vì vậy thịt bị lây nhiễm vi sinh vật ngay tại lò mổ. Sau khoảng 2 giờ kể từ khi giết mổ ở nhiệt độ thường, thì thịt nóng của gia súc sẽ bị ôi thiu, bốc mùi và nhanh chóng biến thành thịt bẩn.

Hầu hết NTD đều nhận thức được điều này, vậy nhưng tại sao vẫn chọn mua tại các chợ truyền thống, thậm chí chọn mua tại các sạp kê tạm trong các khu dân cư mà không mua tại các siêu thị?

Như đã nói ở trên, một phần nguyên do bởi thịt tại các siêu thị đắt hơn, nhưng điều quan trọng là người dân vẫn nghi ngờ: Thịt trong siêu thị chắc gì đã tươi. Bằng chứng là cho đến thời điểm này, chưa có bất kỳ một siêu thị nào có động thái “xả hàng” cuối ngày bằng cách bán rẻ thịt tươi tồn đọng trong ngày chưa tiêu thụ hết (ngoại trừ một số siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài thỉnh thoảng bán các loại tôm, sò… cuối ngày bị “ngất”…). Chính vì đánh đồng chất lượng hàng hóa trong siêu thị và ngoài chợ truyền thống, nên NTD vẫn chọn mua hàng tại chợ, vừa rẻ, vừa gần và tiện dụng.

Phân tích về thói quen tiêu dùng thịt tươi, GS-TS Vũ Chí Cương - Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) - cho biết: “Hiện đa số người Việt Nam vẫn ưa thích thịt tươi, trong khi thịt nhập khẩu chủ yếu là thịt đông lạnh. Thói quen tiêu dùng này sẽ giúp Việt Nam còn đủ thời gian để tái cơ cấu nhanh ngành chăn nuôi. Thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt trong một sớm một chiều là không dễ. Rất nhiều gia đình Việt Nam vẫn ưa dùng gà nuôi, gà thả đồi hơn gà công nghiệp. Với thịt lợn cũng vậy, người Việt chưa quen sử dụng thịt đông lạnh”.

Chính vì vậy, thay đổi hợp lý nhất, hiệu quả nhất vẫn là bắt buộc các tiểu thương phải thay đổi phương thức phục vụ: Thay cho cách bán thực phẩm “nóng” như hiện nay, người bán hàng trong các chợ truyền thống dần bắt buộc phải sử dụng tủ đá, tủ bảo ôn để chứa hàng bán cho NTD. Ngoài ra, cần có chế tài xử phạt các cá nhân không tuân thủ quy định.

LÂM PHONG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thi-truong/vi-sao-nguoi-tieu-dung-van-chon-cho-truyen-thong-678266.bld