Vì sao người dân tái định cư Thanh Chương quay lưng với cây chè?

Ở Thanh Chương, chè được coi là cây công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Thế nhưng, gần đây, đồng bào vùng tái định cư Ngọc Lâm, Thanh Hương không còn mặn mà với việc trồng chè, thậm chí một số hộ còn phá chè để trồng keo.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây chè, từ năm 2012 đến nay, gia đình chị Lương Thị Liên ở bản Muộng, xã Ngọc Lâm đã trồng được 10 sào chè cả trong vườn nhà và trên vườn đồi. Chị Liên cho biết, trồng chè cũng không vất vả, sau 2 năm trồng thì cho thu hoạch. Hiện nay, một tháng thu hoạch một lần, 10 sào cắt hái được hơn 2 tấ. Với giá bán lẻ trên thị trường hiện nay từ 32-38 ngàn/kg, mỗi tháng gia đình thu về 6,5 triệu đồng từ chè.

Nhờ trồng chè nguyên liệu, đến nay cuộc sống gia đình chị Lương Thị Liên ở bản Muộng xã Ngọc Lâm đã khá giả hơn.

“Nhờ trồng chè mà cuộc sống gia đình tôi ổn định, so với các loại cây trồng khác thì cây chè hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, chè trồng ở vườn nhà thì phát triển tốt hơn vì nước nôi đảm bảo. Còn trồng trên đồi năng suất thấp hơn vì phụ thuộc nguồn nước tưới, nhất là vào mùa hạn thì rất vất vả”, chị Liên chia sẻ.

4 năm nay, cây chè nguyên liệu đã bám rễ trên vùng đất tái định cư Ngọc Lâm, Thanh Hương, huyện Thanh Chương. Bằng nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ, chính quyền địa phương đã vận động bà con tích cực trồng cây chè nguyên liệu, tạo nguồn thu nhập bền vững.

Vườn chè 4 năm tuổi của ông Ngân Đình Dung (đội mũ) không được đầu tư chăm bón.

Chỉ tính riêng trong năm 2014, 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Hương đã trồng mới được 200 ha chè nguyên liệu. Nhiều hộ nhờ trồng chè, kinh tế gia đình đã khá giả hơn, như hộ ông Lương Văn Phượng, Lương Văn Thân, Cụt Văn Hợi...

Thế nhưng, 2 năm gần đây, diện tích trồng chè của vùng tái định cư không những không được mở rộng mà còn giảm tới 30ha. Nhiều hộ đã quay lưng với cây chè, thậm chí còn bỏ hoang không chăm sóc hoặc phá chè để trồng cây keo.

Lý giải về nguyên nhân diện tích chè của vùng tái định cư Thanh Chương giảm, chính quyền địa phương cho rằng, 2 năm nay do hạn hán gay gắt đã làm chết nhiều diện tích trồng chè. Ngoài ra, việc thực hiện chính sách hỗ trợ còn chậm, trong khi thời gian kiến thiết cơ bản cây chè 2 năm mới cho thu hoạch bói, cộng thêm chi phí ban đầu, công chăm sóc khá lớn nên người dân không mặn mà đầu tư chăm sóc.

Ông Lô Huy Hùng- Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm cho biết, việc hỗ trợ trồng chè cho người dân theo Quyết định 87 của UBND tỉnh chưa kịp thời, năm 2014 thì đến 2016 mới hỗ trợ, năm 2015 thì chưa có. Hơn nữa, mấy năm hạn hán gay gắt đã làm cây chè chết khô với diện tích lớn, từ đó dẫn đến tâm lý người dân cũng chán nản không muốn tiếp tục trồng nữa.

Những vườn keo xanh tốt đang lấn dần chè nguyên liệu ở vùng tái định cư Thanh Chương.

Xung quanh vấn đề này, ông Lê Đình Thanh - Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương khẳng định: Thực hiện QĐ 87 của UBND tỉnh phải đúng quy trình. Để được hỗ trợ, sau khi trồng phải tiến hành nghiệm thu, phê duyệt mới được thanh toán. Để khắc phục tình trạng này, sắp tới chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nói rõ cho bà con về các chính sách, phân tích cho bà con nhận thức rõ tầm quan trọng của cây chè, giúp bà con có phương thức canh tác, phát triển kinh tế gia đình.

Đề án "Phát triển và trồng mới chè vùng Tái định cư Thủy điện bản Vẽ Thanh Chương” đưa ra mục tiêu trong giai đoạn 2013-2017 sẽ trồng mới 534 ha chè nguyên liệu. Vì vậy, nếu không có các giải pháp khắc phục kịp thời và với tiến độ thực hiện như hiện nay thì mục tiêu mà đề án đề ra sẽ khó đạt được./.

Hiến Chương

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/kinh-te/201611/vi-sao-nguoi-dan-tai-dinh-cu-thanh-chuong-quay-lung-voi-cay-che-2757910/