Vì sao Nga không run sợ khi cấp vũ khí đáng sợ nhất cho đối thủ?

Cố vấn của Tổng thống Vladimir Putin về hợp tác công nghệ quốc phòng hôm qua (23/3) tuyên bố, Nga không thấy có vấn đề gì khi cung cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp việc nước này là một thành viên của NATO - liên minh quân sự đang đối đầu gay gắt với Moscow.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh tin tức Rossiya'24 ngày hôm qua, ông Vladimir Kozhin đã thừa nhận, các cuộc đàm phán về hợp đồng bán tên lửa thiện chiến S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ đang diễn ra.

"Đúng vậy, Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO, điều đó là sự thực. Tuy nhiên, chúng tôi không hề sợ điều này. Các bạn có thể hỏi tại sao. Trước tiên, chúng tôi luôn có quy định rất nghiêm ngặt về vấn đề sở hữu trí tuệ trước khi chúng tôi cung cấp bất kỳ vũ khí nào cho bất kỳ ai và mỗi nước đều phải có nghĩa vụ làm gì và không được làm gì với những vũ khí mà họ mua từ Nga”, ông Kozhin nhấn mạnh.

"Thứ hai, những gì chúng tôi bán cho họ là vũ khí hiện tại chúng tôi đang sản xuất (chứ không phải là vũ khí tương lai”, ông Kozhin nói thêm.

Cố vấn của Tổng thống Nga cho hay, Lực lượng Vũ trang Nga vẫn có những vũ khí hiện đại hơn, tối tân hơn - đó là các hệ thống phòng thủ tên lửa S-500.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tiến hành thảo luận với nhau về vấn đề xuất khẩu các hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ từ đầu tháng Ba.

Trước đó, ông Sergei Chemezov - Chủ tịch tập đoàn Rostec, từng tiết lộ, Ankara đã bày tỏ sự quan tâm đến việc vay tiền của Nga để mua vũ khí tối tân, bao gồm tên lửa phòng không S-400.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.

Nhiều nước rất muốn sở hữu S-400 của Nga. Hiện giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không tối tân này là khoảng 500 triệu USD. Nga từng khẳng định, nước này không có kế hoạch xuất khẩu S-400. Tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại này chỉ được sản xuất để phục vụ cho Lực lượng Vũ trang Nga. Tuy nhiên, Trung Quốc đã trở thành nước ngoài đầu tiên mua được tên lửa S-400 của Nga theo một thỏa thuận mà quan chức hai nước này ký kết hồi mùa xuất năm 2015. Báo chí đưa tin, tổng giá trị của hợp đồng này là vào khoảng 3 tỉ USD.

Sau Trung Quốc, đến lượt Ấn Độ cũng đã trở thành khách hàng mua S-400 của Nga. Moscow và New Delhi đã ký hợp đồng mua bán S-400 hồi tháng 10 năm ngoái. .

Và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ là nước tiếp theo được sở hữu trong tay tên lửa cực mạnh S-400..

Kiệt Linh (theo Itar-Tass)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/tin-anh/201703/vi-sao-nga-khong-run-so-khi-cap-vu-khi-dang-so-nhat-cho-doi-thu-561427/