Vì sao Mỹ vội vàng thúc đẩy thỏa thuận với Nga trước khi Donald Trump nhậm chức?

Ngày 28/11, tờ báo Mỹ Washington Post trích dẫn lời của đại diện Bộ Ngoại giao nước này cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để đạt được thỏa thuận với Nga về dỡ bỏ vòng vây thành phố Aleppo trước lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vậy tại sao ông John Kerry lại vội vàng thúc đẩy thỏa thuận với Nga?

Ngoại trưởng Mỹ Kerry và người đồng cấp Nga Lavrov

Theo các thông tin trên, trong những ngày tháng còn lại của năm 2016, chính quyền của Tổng thống Barack Obama sẽ cố gắng đạt được thỏa thuận với Nga về vấn đề giải phóng thành phố Aleppo của Syria, cũng như thúc đẩy các cuộc thảo luận với Ả rập xê út, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Ngoài ra, Washington vẫn dự định muốn tách phe đối lập Syria khỏi lực lượng “Djabhat Fatx ash-Sham” (tên mới của lực lượng Dzebhat an-Nusra, tổ chức bị Nga coi là khủng bố) và đưa phe đối lập Syria rút an toàn khỏi phía Đông thành phố Aleppo. Đổi lại, Mỹ muốn Nga và Tổng thống Syria Bashar al-Assad “chấm dứt bao vây thành phố Aleppo và cho phép hàng cứu trợ nhân đạo được vào thành phố này”.

Lực lượng phiến quân ở Syria trong một vài tháng trở lại đây đã sử dụng hơn 300 nghìn người dân Syria ở phía Đông thành phố Aleppo làm lá chắn sống. Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura mới đây đã lên tiếng chỉ trích phe đối lập Syria tấn công hàng loạt vào người dân thường.

Trong những ngày gần đây đã có khoảng 500 người dân thường Syria thoát khỏi các khu phố bị phiến quân kiểm soát ở Aleppo. Những câu chuyện của họ về sự tàn bạo của các phần tử khủng bố đã khẳng định sự thất bại của chính sách hỗ trợ phe đối lập Syria của phương Tây.

Do các phần tử phiến quân Syria từ chối sắc lệnh ân xá của chính phủ Syria, không giao nộp vũ khí nên Quân đội Syria đang tiếp tục tấn công vào các vị trí của lực lượng khủng bố và đang gặt hái nhiều thành công. Vòng vây đang ngày càng được siết chặt.

Tính đến ngày 28/11, Quân đội Chính phủ Syria đã tiến sát vào ranh giới giữa khu vực phía Nam và phía Bắc của “chảo lửa Aleppo”, gần như chia cắt được các phần tử khủng bố ra làm 2 phần.

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, thành công của Quân đội Chính phủ Syria đã buộc chính quyền Tổng thống Obama phải có những tính toán lại.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Người đồng cấp Mỹ Kerry

Ngày 17/11 tại Lima, Peru, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp tục có cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov về tình hình Syria. Phía Nga tiếp tục cho rằng việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria theo cách thức của Mỹ đưa ra là không hiệu quả. Các phần tử khủng bố và phe đối lập Syria vẫn chưa bị phân tách rõ ràng nên các phần tử này không có ý định đầu hàng.

Theo nhận định của giới phân tích Nga, sở dĩ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tích cực thúc đẩy đàm phán với Nga vì đang quan ngại sẽ phải chịu trách nhiệm về những chiến dịch bí mật sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ chính thức nhậm chức (dự kiến 20/1/2017). Cho đến nay vẫn không có quan chức nào trong bộ máy chính quyền Tổng thống Obama trả lời được cho các câu hỏi đơn giản: Người Mỹ đang làm gì ở Syria và ai đã mời họ đến Syria?...

Trước đó đã có các thông tin về sự hiện diện tại Aleppo của một vài nghìn chuyên gia quân sự của Mỹ và Anh và về cái chết của 30 sỹ quan các lực lượng đặc nhiệm nước ngoài ở Aleppo do phải hứng chịu các đòn tấn công bằng tên lửa hành trình Kalibr của Nga.

Nếu như đặt giả thiết rằng các lực lượng quân sự NATO không rời khỏi phía Đông thành phố Aleppo mà vẫn ở lại sát cánh chiến đấu cùng các lực lượng khủng bố thì sẽ rõ là quan ngại của Bộ Ngoại giao Mỹ là có cơ sở.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể sẽ thỏa thuận với Nga theo chiều hướng có lợi cho Chính phủ Syria. Khi đó, Lầu Năm góc và lực lượng NATO ở Syria sẽ không chỉ “mất mặt” mà còn phải đương đầu với những khó khăn trong việc rút các lực lượng đặc nhiệm ra khỏi Aleppo.

Đây được coi là một trong các nguyên nhân chính khiến Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, dù chỉ còn tại vị khoảng 2 tháng nữa, cố gắng thúc đẩy các thỏa thuận với Nga để giải quyết các vấn đề này trước khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Tờ báo Mỹ Foreign Policy nhấn mạnh rằng: “Những gì mà Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề xuất với Tổng thống Nga Putin không chỉ là sự hợp tác trong hàng loạt vấn đề liên quan đến lợi ích hai nước. Ông ấy đề xuất với phía Nga theo hướng để tình hình thế giới không tiến triển như thời hậu Chiến tranh lạnh”.

Cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu từ tháng 3/2011 giữa Quân đội Chính phủ Syria với các lực lượng phiến quân và phe đối lập “ôn hòa”. Tổn thất của hai bên đã lên đến 45.000 người và hơn 36.000 dân thường Syria thiệt mạng, trong đó phần lớn dân thường Syria thiệt mạng là do bị lực lượng phiến quân, khủng bố giết hại. Gần 18.000 phiến quân thiệt mạng là những lính đánh thuê đến đến từ gần 80 quốc gia trên thế giới.

Đào Cảnh (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vi-sao-my-voi-vang-thuc-day-thoa-thuan-voi-nga-truoc-khi-donald-trump-nham-chuc-post214913.info