Vì sao Mỹ cần 3 tàu sân bay hạt nhân áp sát Triều Tiên?

3 siêu tàu sân bay hạt nhân cùng 250 chiến đấu cơ được Hải quân Mỹ điều đến áp sát Triều Tiên được giới phân tích, cựu quan chức quân đội đánh giá là động thái chưa từng có trong hàng thập kỷ.

Tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson.

Theo Daily Beast, nhóm tác chiến tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz sẽ rời căn cứ hải quân Kitsap-Bremerton vào ngày 1.6 tới để hội ngộ cùng hai tàu sân bay Carl Vinson và Ronald Reagan.

Tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz vừa mới kết thúc quá trình bảo dưỡng và nâng cấp và đây là lần ra quay trở lại vùng biển Tây Thái Bình Dương đầu tiên kể từ năm 2013.

3 tàu sân bay Mỹ áp sát Triều Tiên mang theo tổng cộng 250 máy bay chiến đấu, bao gồm 140 chiến đấu cơ đa năng McDonnell Douglas F/A-18C Hornet và F/A-18 E/F Super Hornet. Hộ tống 3 tàu sân bay còn có hơn 20 tàu chiến, bao gồm cả tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình Tomahawk.

Ước tính có 15.000 thủy thủ và sĩ quan Mỹ làm việc trên 3 tàu sân bay. Tính cả nhóm tác chiến là 20.000 người. Như vậy, 1/3 năng lực chiến đấu của hải quân Mỹ sẽ hiện diện ngay trước cửa ngõ Triều Tiên.

Giới phân tích nhận định, sự hiện diện của 3 tàu sân bay cho thấy sự nghiêm túc của Tổng thống Donald Trump trong việc giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Nhóm tác chiến tàu sân bay hùng hậu bao gồm cả tàu ngầm hạt nhân của hải quân Mỹ.

Động thái răn đe này được cho là cần thiết bởi Triều Tiên có thể thử hạt nhân lần 6 bất cứ lúc nào. Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy các hoạt động chuẩn bị tại bãi thử Punggye-ri đã hoàn tất.

Cách đây vài giờ, Triều Tiên cũng lần thứ 9 phóng thử tên lửa trong năm nay. Bình Nhưỡng đã chứng minh bước tiến trong việc phát triển tên lửa tầm xa trong những lần phóng trước đó.

“Tôi phục vụ trong hải quân từ năm 1986-2105 nhưng không nhớ có lần nào Mỹ điều tới 3 nhóm tác chiến tàu sân bay đến bán đảo Triều Tiên”, James Fanell, chỉ huy chiến dịch tình báo thuộc Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ nói. “Nếu tôi là Kim Jong-un, tôi sẽ ẩn náu thật an toàn trong hầm trú ẩn”.

Lần cuối Mỹ điều 3 tàu sân bay tập trung trong một khu vực đã cách đây gần 3 thập kỷ, trong cuộc chiến tranh Iraq năm 1991.

Tuy vậy, những chuyên gia khác cho rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể không quá lo ngại về sự hiện diện đồng thời của 3 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ. “Hỏa lực mạnh chỉ có khả năng răn đe nếu mục tiêu cảm thấy mình có thể bị đe dọa”, June Teufel Dreyer, giáo sư khoa học chính trị đến từ trường Đại học Miami, Mỹ nói.

“Mỹ đã nhiều lần tăng cường quân sự nhưng lần này thì Triều Tiên có thể sẽ không tin rằng Washington dám nổ súng”, ông Dreyer nhận định.

Mỹ rất hiếm khi điều quá nhiều tàu sân bay đến cùng một khu vực.

Thậm chí nếu Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa hoặc kích hoạt vũ khí hạt nhân, Tổng thống Donald Trump thậm chí còn rơi vào thế khó vì sự hiện diện của 3 tàu sân bay gần Bình Nhưỡng.

“Đưa nhóm tác chiến tàu sân bay nhưng không sẵn sàng hành động có thể là một thông điệp tồi tệ”, ông Dreyer nói.

Cuối tuần trước, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton chuyển lời của Tổng thống Donald Trump đến Trung Quốc, nói ông Trump muốn có giải pháp cho vấn đề Triều tiên “càng sớm càng tốt” và “thời gian chỉ có hạn”.

Nhưng bà Thornton không giải thích rõ khoảng thời gian giới hạn cụ thể là bao lâu. Và như vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đã chuẩn bị sẵn giải pháp đặc biệt khi điều thêm tàu sân bay USS Nimitz đến bán đảo Triều Tiên, giới chuyên gia nhận định.

Bình luận về phản ứng của Nga và Trung Quốc, trang mạng US Blasting News nói Nga đang tập trung vào khủng hoảng Syria. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng mới gặp người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte. Do đó, Nga có thể sẽ chỉ âm thầm quan sát động thái của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực kiềm chế Triều Tiên và việc Mỹ điều thêm tàu sân bay sẽ chỉ khiến Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/vi-sao-my-can-3-tau-san-bay-hat-nhan-ap-sat-trieu-tien-774324.html