Vì sao Mourinho không thể thành công ở Man Utd?

Nhiệm vụ của Mourinho ở Old Trafford không đơn thuần là giúp Man Utd giành lại suất chơi ở Champions League. Ông còn chịu trách nhiệm trực tiếp cho dự án đưa Man Utd quay lại kỳ đại thịnh, mà nói trắng là vô địch Premier League.

Jose Mourinho chính thức trở thành 'thuyền trưởng" của M.U từ ngày 27/5 (ảnh: manutd.com)

Từ thế chiến thứ hai, có 15 HLV từng vô địch toàn Anh từ hai lần trở lên. Mourinho là một trong số đó.

Bỏ qua yếu tố địa lý 10/15 gương mặt trên tới từ vùng Đông Bắc xứ sương mù hoặc khu Glasgow-Lanarkshire, mẫu số chung của nhóm những HLV tài ba này là ghi danh tại Anh quốc cùng đội bóng đầu tiên ông ta dẫn dắt. Ngoại trừ Sir Alex (Aberdeen) và Mourinho (Porto).

Xuyên suốt lịch sử 128 năm tồn tại và phát triển của bóng đá Anh, chỉ 4 vị chiến lược gia giành vinh quang tại nhiều hơn một tập thể. Họ là Tom Watson, Herbert Chapman, Brian Clough và Kenny Dalglish.

Khi quay lại sau 6 năm xa cách, đống nguyên liệu Mourinho tiếp quản đã khác xa giai đoạn đầu. Chỉ sót lại Lampard, Terry, Cech và Drogba. Tạm coi ông dẫn dắt hai đội bóng riêng rẽ.

Vì thế, nếu tách biệt rạch ròi hai nhiệm kỳ của Mourinho ở Chelsea thì HLV người BĐN cũng được tính là người thứ 5 từng làm được cái điều phi thường kia, là lặp lại vinh quang ở một môi trường hoàn toàn mới.

Ba dữ liệu vừa đề cập hòng chứng tỏ một chân lý: Vô địch Premier League đã khó, vô địch Premier League nhiều hơn một lần càng khó hơn, còn vô địch Premier League từ hai lần dưới hai màu áo khác nhau thì khó gấp bội.

Kể cả khi hàng tỷ bảng Anh được ném vào sàn chuyển nhượng và các công trình xây dựng đồ sộ, tái tạo vinh quang tại những thời điểm khác nhau trong những không gian làm việc đối lập ở Premier League vẫn là nhiệm vụ bất khả thi với giới huấn luyện.

Vậy mà Mourinho, trên khía cạnh nào đó, vẫn làm tốt công việc không tưởng đó. Đấy là chưa kể, “Người đặc biệt” nằm trong nhóm 5 HLV đã lên đỉnh châu Âu cùng nhiều hơn một đội bóng.

Jose Mourinho cùng Inter Milan vô địch Champions League vào năm 2010 (ảnh: Getty)

Với bản lý lịch hoành tráng như vậy, Man Utd chọn Mourinho ngồi vào ghế thuyền trưởng âu cũng dễ hiểu. Ai đó đã nói quyết định trên được đưa ra vì không còn ai nổi tiếng hơn Mourinho. Nhưng chẳng phải, hàng loạt cái tên đình đám khác đã đến và đi mà chẳng thể nhân bản kỳ tích của Mourinho hay sao? Mourinho không chỉ nổi tiếng, ông còn biết cách duy trì thanh thế bằng những chiến tích nối tiếp dưới những áp lực và thử thách thời cuộc.

Các manucian hẳn rất kỳ vọng vào Mourinho. Ông hiển nhiên là tài ba cùng khả năng thích ứng tốt. “Premier League ư? Với Mou là chuyện nhỏ”, một CĐV Man Utd trả lời kênh 5 BBC.

Nhưng Mourinho, xét cho cùng, vẫn chỉ là con người. Mà đã là người trần mắt thịt thì mấy ai thắng được quy luật tự nhiên?

Mourinho chắc đã tự hỏi nhiều lần câu ấy trước gương. Trong khoảng 2002-2010, Mourinho vô địch quốc nội 6 lần cùng 2 danh hiệu Champions League. Song từ đó tới nay, khuôn hình Mourinho không còn xuất hiện thường xuyên trên bục podium: Chỉ 2 danh hiệu ở giải VĐQG và 2 lần rời chính trường trong nỗi tủi hộ.

Bản chất của bóng đá là quá trình tiến hóa không ngừng và những tình huống khó đoán. Người như Sir Alex hay Arsene Wenger chỉ còn là món đồ hoài cổ. Rất ít HLV trụ tới 10 năm ở một đội bóng.

Vì sao? Vì duy trì đế chế phụ thuộc nhiều vào tính thời điểm. Thời điểm ở đây đôi khi là vô tính sở hữu một mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh toàn cảnh, nhưng cũng có thể là cuộc hôn phôi của chuỗi những giá trị mang tính chắp nối qua hàng thập kỷ.

Bóng đá tổng lực của Rinus Michels có lên ngôi nếu đội hình Ajax thiếu đi Johan Neeskens, máy quét chuyên sửa chữa những sai lầm của đồng đội? Pep Guardiola có chạm ngưỡng vinh quang nếu người mở ra và đóng lại các khoảng trống trên sân không phải Xavi? Thời kỳ hoàng kim gần chục năm qua của Barca và tiqui-taca liệu có tồn tại nếu không nhờ thế hệ 1987 của lò La Masia đặt nền móng?

Những chữ “nếu” ấy đã xảy ra vì vòng vận động trái đất quay trúng ô may mắn.

Sự đi xuống về mặt thành tích của Mourinho mấy năm gần đây không phải vì ông mất chất hay bất tài. Chỉ đơn giản là Mourinho, như tất cả chúng ta đây, đã, đang và sẽ bước tới viên gạch cuối cùng trên con đường mà tạo hóa vạch sẵn. Nói kiểu dân dã là “Cái gì cũng có thời của nó”. Ai rồi cũng sẽ dừng lại.

"Người đặc biệt" có đang đi xuống? (ảnh: REX Shutterstock)

Năm nay, Mourinho 53 tuổi. Không quá già, nhưng có đủ trẻ? Trong quá khứ, những nhà cách mạng thực thụ người Anh từng chứng kiến thường trẻ khỏe, làm nên chuyện lớn ở tuổi sung sức nhất.

Họa hoằn có Paisley, tới Liverpool lúc 55 tuổi, cùng The Kop chinh phạt 20 huy chương trong 9 năm sau đó.

Nhưng bóng đá ngày nay khác xa bóng đá của những năm 80 thế kỷ trước. Tốc độ trận đấu ngày một nhanh, sự ganh đua đến từ tứ phía. Cấu trúc “Big 4” dần bị phá vỡ, tịnh tiến thành Big 5, Big 6 và từ mùa tới sẽ là Big 7 với sự hiện diện của Leiceister.

Mourinho thấm thía rõ dòng dịch chuyển thời gian. 11 năm trước, Mourinho tới Anh với khuôn mặt non choẹt và những bộ đồ thể thao. Hơn thập kỷ trôi qua, Mourinho đầu bạc trắng, y phục của ông cũng chuyển sang áo măng-tô và giày Tây cho hợp tuổi.

Thời thế thế thời âu phải thế. Nếu Mourinho không thể thành công ở Man Utd hay đơn giản là không đáp ứng tối đa nguyện vọng của giới chủ và CĐV nơi đây, ắt cũng là kết cục được báo trước.

Đơn Ca

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/quoc-te/vi-sao-mourinho-khong-the-thanh-cong-o-man-utd-103272