Vì sao Modern Talking bùng nổ tại Việt Nam

Không bóng đập, không băng rôn, chỉ có hàng ngàn cánh tay của phần lớn thế hệ 7x-8x (thậm chí cả 6x) bật dậy phấn khích trong tiếng nhạc Disco, biến Trung tâm Hội nghị Quốc Gia (Hà Nội) thành một vũ trường Discotheque. Thậm chí, ca sĩ Thomas Anders phải diễn thêm một đêm nữa mà vẫn chưa thỏa sự cuồng nhiệt của khán giả Việt. Phải chăng có một sự dồn nén ẩn chứa đâu đó đã tạo nên cơn “bùng nổ” trong liveshow Modern Talking vừa qua?

Một thời bị xem là “nhạc chợ”

Danh từ “nhạc chợ” những năm 80-90 khác với từ “nhạc thị trường” bây giờ. Khi đó các sân khấu chỉ diễn bằng ban nhạc, và họ ít có điều kiện trổ tài ngón đàn cá nhân, bởi phải quanh năm suốt tháng phải sống với loại nhạc đám cưới và vũ trường. Nhạc của Modern Talking cũng nằm trong số này, và các bản hit thường dùng để nhảy điệu Bebop.

Đêm diễn của Thomas Anders và nhóm Modern Talking hoành tráng tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia hôm 16/11.

Nhưng từ khi sân chơi ban nhạc trẻ mở cửa với Festival Pop - Rock Sài Gòn vào năm 92, các tay chơi nhạc bắt đầu có sân chơi riêng, và tha hồ tung hoành với thể loại Rock. Và đương nhiên, họ không hào hứng với những thành viên nào đòi chơi nhạc vũ trường. Họ gọi nhạc vũ trường là “nhạc chợ” - nhạc kiếm cơm, nhằm phân biệt với loại nhạc “Heavy Metal” mà họ cho là đỉnh cao đến mức không phải ai cũng nghe được. Nếu lúc đó nhạc công nào đòi chơi nhạc Modern Talking, thì có thể sẽ bị nhìn bằng ánh mắt của người ngoài hành tinh.

Từng xem Modern Talking là một loại nhạc

Nếu như phần lớn fan của Rock đều mê Rock từ nhiều ban nhạc góp lại (nay thích Bon Jovi, mai thích Metallica), thì phần lớn fan của Disco lại mê thể loại này từ Modern Talking vào những năm ấy. Thậm chí nhiều bài hát nổi tiếng của nghệ sĩ khác cũng bị gán cho là nhạc Modern Talking như “The final countdown” (nhóm Europe), “Touch by touch” (nhóm Joy), “You’re a woman” (nhóm Bad Boys Blue)... Bởi những năm ấy, họ từng xem Modern Talking là một loại nhạc Disco chứ không chỉ là ban nhạc. Chỉ cần nói mở “Modern Talking”, thì lúc bấy giờ có mở nhạc Disco nào với giọng ca nam, cũng đều được hiểu là Modern Talking đang hát.

Thomas Anders tương tác với khán giả.

Kiểu tóc Đi-tơ

Nhạc của Modern Talking không chỉ ăn sâu vào cuộc sống giới trẻ, mà hình ảnh mái tóc của Thomas Anders và Dieter Bohlen cũng chiếm một phần không nhỏ trong cuộc sống thanh niên bấy giờ. Phần lớn các chàng trai thời đó đều thích để tóc hai mái, đuôi tóc chẻ dài tủa xuống vai như kiểu tóc của Dieter Bohlen năm 1986. Còn ai đủ “can đảm” thì để dài uốn bồng bềnh cho giống của Thomas Anders. Trào lưu này xuất hiện ở Hà Nội trước, do miền Bắc gần biên giới Trung Quốc, nên có nhiều băng catsette “xịn” được nhập lậu vào. Giới trẻ Hà Nội ngoài xem Modern Talking trên ti vi, còn tiếp cận hình ảnh của bộ đôi Modern Talking từ bìa của những hộp băng casette đó. Và thậm chí khi đó, ở Sài Gòn chỉ cần thấy một anh nào để tóc kiểu hai mái chẻ đuôi, là biết ngay chàng từ Hà Nội vào. Dần dần thanh niên các nơi bắt chước theo thành mốt. Cho đến giờ, kiểu tóc ấy vẫn âm thầm tồn tại dù rằng phần lớn không biết xuất xứ từ đâu. Người ta gọi bằng nhiều cái tên khác nhau, nhưng đâu đó vẫn có người gọi là kiểu tóc Đi-tơ (Dieter Bohlen).

Thomas Anders đi xuống trong vòng vây khán giả.

Âm thầm rồi bùng nổ

Có thể giữa trung tâm lớn cả nước như Hà Nội và Sài Gòn ngày nay, các loại nhạc thay nhau thống lĩnh sân khấu, bar, trung tâm ca nhạc. Nhưng thử dạo một vòng ven thành phố, không khó để nghe được nhạc của Modern Talking văng vẳng từ một quán cà phê nào đó. Thậm chí người ta tìm đĩa Modern Talking trong tiệm còn dễ hơn là tìm ABBA, The Beatles, hay Michael Jackson. Chứng tỏ đến giờ nhu cầu nghe nhạc Modern Talking vẫn chưa hết. Chị Nguyễn Ngọc Lan (Hà Nội) chia sẻ, cộng đồng fan của Modern Talking thường không thể hiện bên ngoài, mà luôn thầm lặng. Thậm chí ít bày tỏ sở thích của mình trên mạng xã hội.

Có thể thấy, liveshow Thomas Anders cùng ban nhạc Modern Talking tại Việt Nam vừa qua chủ yếu là thế hệ 7x-8x. Ai ai cũng hồ hởi rằng nhạc Modern Talking gắn liền với tuổi thơ, tuổi trẻ của mình. Và hầu như mọi người đều cho rằng không ngờ giấc mơ đã thành hiện thực. Thật vậy, khi có thông tin Thomas Anders quyết định đến Việt Nam, thì cả trăm khán giả từ TP.HCM và các nơi khác đã không ngần ngại mua giá vé từ 3 triệu đồng trở lên, thậm chí giá vé chợ đen phút chót vọt lên đến 15 triệu đồng, mà vẫn kín ghế. Điều đó cho thấy sự bùng nổ của liveshow Modern Talking vừa qua không chỉ là một ban nhạc tên tuổi đến Việt Nam, mà là sự đánh thức ký ức một thế hệ vốn đã âm thầm chờ đợi suốt 30 năm qua.

Thomas dừng lại trò chuyện với fan Việt ngay khi vừa ra cửa sân bay.(Ảnh: Hạ Mi)

Chị Ngọc Lan thay mặt các fan của Modern Talking đem tặng các bức vẽ của fan Việt dành cho Thomas. (Ảnh: Hạ Mi)

Nhạc sĩ Xuân Nghĩa. Ảnh: BTC

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/vi-sao-modern-talking-bung-no-tai-viet-nam-d50860.html