Vì sao lời nói lại gieo nghiệp xấu (4): Nói thật mắc tội vì sao?

Theo lời Phật dạy, chánh ngữ là nói ra sự thật nhưng nói ra sự thật mà gây đau khổ, hư hại thì lại không được coi là chánh ngữ.

Theo các vị giảng sư, sở dĩ khi chúng ta nói ra sự thật mà vẫn không được coi là lời nói đúng đắn là bởi cái mà ta nghĩ là “sự thật” đó là do nhân sinh quan của ta thấy là đúng nhưng thực tế chưa chắc đã đúng như ta đã nghĩ, ta thấy.

Trong cuốn sách "Trái tim của Bụt", trong phần nói về chánh ngữ, thiền sư Thích nhất hạnh cho rằng: Chánh ngữ là nói sự thật, nhưng sự thật nhiều khi cũng có thể cũng gây ra đau khổ. Cho nên sự thật phải được diễn tả bằng ngôn ngữ khôn ngoan để giúp cho người nghe dễ chấp nhận. Nói một sự thật mà gây tan vỡ và hư hại thì không phải là chánh ngữ.

Khi nói phải biết tâm lý, dùng thứ ngôn ngữ thích hợp với người nghe, chọn thời gian và hoàn cảnh thuận tiện, và diễn tả cách nào để họ hiểu được, chấp nhận được, thì mới nên nói. Và như vậy mới được coi là lời nói đúng.

Khi chúng ta nói ra sự thật nhưng người nghe không chấp nhận, nói thật mà làm người khác đau khổ là bởi cái thấy, cái biết, cái hiểu của chúng ta chưa đúng, chưa sáng. Cái thấy, cái biết, cái hiểu đó trong nhà Phật gọi là Chánh kiến (Chánh kiến là một trong 8 chi phần của con đường thoát khổ Bát chánh đạo mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ dạy. Đó là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh niệm, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh định).

Khi chúng ta chưa nói được lời nói đúng (chánh ngữ) là bởi chúng ta chưa có chánh kiến và chánh tư duy. Bởi vậy, muốn nói được lời nói không tạo nghiệp bất thiện bắt buộc chúng ta phải tu học để có được chánh kiến và tư duy đúng đắn.

Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, hạt giống chánh kiến ở trong tâm thức ta gọi là giác tánh. Tất cả chúng sinh đều có sẵn giác tánh, nên ta vẫn nói rằng Phật ở trong tâm là như vậy.

Phật tức tâm là một sự thật có thể chứng nghiệm được, chứ không phải là lý thuyết. Vì nếu không sẵn hạt giống giác tánh thì có tu, có học gì chúng ta cũng sẽ không thành công.

Tu học có nghĩa là tạo những điều kiện tưới tẩm cho hạt giống tuệ giác nở ra. Khi hạt giống của chánh kiến nẩy mầm rồi, tự nhiên tư duy sẽ đi vào đường chánh. Càng thực tập chánh tư duy, chúng ta lại càng giúp cho những hạt giống chánh kiến khác nẩy nở thêm.

Chánh kiến nuôi dưỡng chánh tư duy và chánh tư duy khơi mở thêm chánh kiến. Rồi nhờ sự phát triển của chánh kiến và chánh tư duy mà chánh ngữ biểu hiện. Bởi vậy khi lời nói của chúng ta còn gây ra đau khổ thì ta phải biết là cái thấy của chúng ta chưa sáng, và tư duy của chúng ta chưa đúng.

Ngôn ngữ có hạt giống trong đất tâm. Những lời nói, kho ngữ vựng, những hình thức diễn tả trong ngôn ngữ đều có hạt giống ở đấy cả. Tu tập chánh ngữ bắt đầu từ tâm, bắt đầu từ tưởng, tức là tri giác. Tri giác sai lầm sẽ sinh nhiều tà kiến. Tri giác càng đúng thì càng thêm chánh kiến. Tri giác sai lầm, tư duy chúng ta sẽ sai lầm. Chúng ta thấy mối liên hệ rất mật thiết giữa chánh ngữ, chánh kiến và chánh tư duy. Cho nên nếu chúng ta muốn tu tập chánh ngữ thật vững chãi thì chúng ta phải dựa trên chánh kiến và chánh tư duy.

Tri giác sai lầm thì tư duy sai lầm. Tư duy sai lầm thì lời nói sẽ sai lầm. Ảnh minh họa

Tri giác sai lầm thì tư duy sai lầm. Tư duy sai lầm thì lời nói sẽ sai lầm. Ảnh minh họa

Vì vậy các vị bồ tát sau khi tu tập chánh kiến và chánh tư duy thì đạt tới biện tài. ‘‘Trí tuệ hoằng thâm đại biện tài. ì Biện tài ở đây không phải là nói khéo. Biện tài chính là ‘‘nhất thiết ngữ ngôn tam muội, ì phát hiện khi bồ tát có chánh kiến và chánh tư duy vững chãi. Biện tài ở đây là khả năng nhiếp phục được người khác, khả năng khai thông cho tâm ý, làm cho người ta bỏ con đường mê tối mà hướng tới con đường sáng. Đôi khi chỉ cần nói một hai câu mà có thể đưa người khác trở về với con đường an lạc. Trí tuệ hoằng thâm đại biện tài nghĩa là nhờ trí tuệ sâu rộng, nên bồ tát đã đạt tới biện tài vô ngại để thuyết pháp độ sinh.

Sự tu tập chánh ngữ phải căn cứ trên chánh kiến và chánh tư duy. Những hạt giống của tri giác nằm sâu trong tâm thức, những hạt giống của tư duy cũng ở sâu trong tâm thức, những hạt giống ngữ ngôn cũng vậy, ba loại hạt giống đó có dính líu với nhau. Trong tương giao giữa mọi người, chúng ta cần tập nhìn đúng, nghĩ đúng về người khác. Muốn tập chánh ngữ, ta phải bắt đầu bằng sự quán chiếu về người và về mình. Xung đột giữa vợ chồng, cha con hay bạn bè có khi xảy ra chỉ vì lời nói. Tu tập chánh ngữ trở thành một yếu tố rất quan trọng để gây niềm thông cảm.

Trong giới thứ tư của năm giới, chúng ta học: ‘‘Biết rằng lời nói có thể đem lại khổ đau hay là hạnh phúc cho nên tôi thực tập chánh ngữ để có thể làm vơi bớt khổ đau và mang lại hạnh phúc cho người.’’ Và một điều thực tập cần thiết là hạnh lắng nghe. Cái nói liên hệ tới cái nghe. Nói mà không biết nghe tức là chưa có chánh ngữ. Muốn cho lời nói của ta là chánh ngữ thì ta phải lắng nghe người khác. Cho nên tập lắng nghe là một phần của sự thực tập chánh ngữ.

Cũng theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, thực tập chánh ngữ phải quan tâm đến tập khí. Ta có những tập khí, những thói quen, cho nên đôi khi lời nói ta chỉ là phản ứng rất máy móc. Nghe một điều, ta tự nhiên có những phản ứng tự động và bật nói ra. Đó là do tập khí. Chúng ta phải nhận diện các tập khí, mỉm cười mỗi khi chúng xuất hiện, và nói: ‘‘tập khí ơi, chào mi!’’ Rồi thực tập chánh ngữ, tình thương và bồ đề tâm. Cần quán chiếu, cần thấy nỗi khổ của người, cần thấy hạt giống của niềm vui nơi người, nhờ đó ta có thể tạo hạnh phúc cho những người xung quanh ta. Ta có thể ban phát rất nhiều hạnh phúc, chỉ cần nhờ thực tập chánh ngữ. Và cố nhiên khi tạo nên hạnh phúc cho người thì chính ta không thể nào không có hạnh phúc.

Mạc Vi

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/vi-sao-loi-noi-lai-gieo-nghiep-xau-4-noi-that-mac-toi-vi-sao-20160923173130876.htm