Vì sao liên quân Satra, Hapro, Phú Thái và Saigon Co.op Mart thất bại?

Với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thị trường bán lẻ hấp dấn nhất thế giới. Doanh nghiệp Việt trước nỗi lo bị doanh nghiệp ngoại chiếm thị phần đã ngồi lại với nhau tính chuyện liên quân, liên kết nhưng thất bại.

“Bốn cây” chụm lại không thành

Ở thị trường bán lẻ Việt Nam có 4 đại gia ngành bán lẻ cùng liên kết lại mong tạo nên một khối bán lẻ đoàn kết, phát triển mạnh, chiếm lĩnh thị trường nội địa đó là Satra, Hapro, Phú Thái và Saigon Co.op Mart. Bốn ông lớn đã ngồi lại bàn tính chuyện liên kết phân phối hàng hóa nhưng cuộc toan tính bất thành. Mới đây, tại hội thảo về thị trường bán lẻ tổ chức hồi tháng 5, đại diện Bộ Công Thương đã cho biết câu chuyện liên quân, liên kết đó đã thất bại.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất bại này đó là vướng mắc cơ chế, chính sách, khó khăn trong tìm tiếng nói chung.

Tục ngữ có câu “Một cây làm chẳng nên non- Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” nhưng ở trong câu chuyện này, “bốn cây chụm lại” khó thành. Thị trường bán lẻ dần rơi vào tay nhà đầu tư ngoại.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, các doanh nghiệp bán lẻ Việt đã được ưu ái, hỗ trợ nhiệt tình nhưng rồi lại bán đi cho nước ngoại như Phú Thái, Nguyễn Kim, Kinh Đô, vô tình chúng ta đã đi hỗ trợ cho doanh nghiệp nước ngoài.

Liên quân Aone Mall, Big C, Lotte, Metro đào thải doanh nghiệp Việt

Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đã mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần Citimart; Tập đoàn Berli Jucker (BJC, Thái Lan) đã mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam) bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan, với giá trị khoảng 879 triệu USD; Lotte (Hàn Quốc) nắm quyền điều hành Trung tâm thương mại Diamond Plaza khi sở hữu 70% cổ phần… Gần đây nhất là Tập đoàn Central Group của Thái Lan đã vượt qua một loạt các đối thủ lớn để sở hữu Big C Việt Nam với giá trị thương vụ khoảng 1,1 tỉ USD.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam còn quá nhiều tiềm năng, bởi quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2015 đạt 102 tỉ USD (tốc độ tăng trưởng đạt 7,3% trong giai đoạn 2010 - 2015). Thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, nhưng vẫn đạt mức tăng bình quân 12% trong giai đoạn 2010 - 2015.

TS Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu thương mại cho biết tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt ngày càng cao. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia mới nổi có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh, nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là người tiêu dùng thuộc hàng trẻ nhất châu Á và ngày càng mạnh tay chi tiêu.

Theo dự báo của PwC và EIU tiêu dùng cá nhân của hộ gia đình Việt Nam sẽ tăng bình quân hàng năm khoảng 10,5%, giai đoạn 2015-2018 và mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ sẽ đạt khoảng 123 tỷ USD vào năm 2018.

Một thống kê chỉ ra, tổng doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp FDI chiếm 53%, doanh nghiệp nội chiếm 47%. Đáng lưu ý các điểm bán lẻ của doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 90 điểm trong tổng số siêu thị cả nước song doanh số bán ra tại một điểm gấp 3-4 lần thậm chí 7-8 lần so với một điểm của siêu thị nội do các doanh nghiệp FDI có siêu thị quy mô lớn. Phân khúc bán lẻ hiện đại, Việt Nam mới chỉ đạt 25%.

Thông qua các thương vụ mua bán, sát nhập, doanh nghiệp ngoại có thể đào thải doanh nghiệp nội bởi quy mô và hàng hóa cạnh tranh.

Đầu tháng 6, câu chuyện liên kết của Tập đoàn Vingoup với 250 doanh nghiệp phần nào dấy lên hy vọng cho thị trường bán lẻ Việt. Nhưng liệu một mình Vingroup có làm nên chuyện khi mà các đại gia Thái Lan, Nhật Bản đang lấn sân trên thị trường Việt một cách mạnh mẽ và bài bản

Nguồn NDH: http://ndh.vn/vi-sao-lien-quan-satra-hapro-phu-thai-va-saigon-co-op-mart-that-bai--20160606104750325p147c161.news