Vì sao Liên đoàn Quần vợt đứng ngoài cuộc chơi?

Giành cùng lúc bốn chức vô địch đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ giải U-14 ITF châu Á vừa kết thúc, các tay vợt trẻ Việt Nam vừa khẳng định tài năng quần vợt không thiếu.

Tuy nhiên, có điểm chung là các tài năng khá “đơn độc” khi sự phát triển lệ thuộc nhiều vào sự đam mê và tiềm lực tài chính của gia đình. Muốn những viên đá thô sơ đấy thành ngọc quý rất cần đến tầm nhìn lẫn chiến lược của tổ chức xã hội đó là Liên đoàn Quần vợt Việt Nam (VTF).

Trong lịch sử, không phải đây là lần đầu tiên quần vợt Việt Nam có VĐV đăng quang tại giải đấu thuộc hệ thống trẻ ITF (Liên đoàn Quần vợt Thế giới). Trước đây, Nguyễn Hoàng Thiên từng lên ngôi vô địch U-14 ITF châu Á Becamex Bình Dương 2008. Mới đây nhất, Lý Hoàng Nam cũng khiến làng banh nỉ thế giới chao đảo sau màn trình diễn ấn tượng tại các giải đấu ITF nhóm 1 châu Mỹ ở tuổi 16. Từ vị trí 276 trẻ ITF, Hoàng Nam nhảy vọt lên xếp hạng 114 trẻ ITF.

Để Hoàng Thiên theo đuổi quần vợt chuyên nghiệp, gia đình em phải tự bỏ tiền túi, tự tìm HLV ngoại huấn luyện cho con mình với kinh phí đầu tư hơn 200.000 USD/năm. Thế nhưng có một nghịch lý là để Hoàng Thiên có được suất đặc cách dự ba giải Men’s Future Việt Nam 2012, gia đình Thiên phải tự bỏ tiền tổ chức giải, đồng thời còn phải chia suất đặc cách để VTF làm công tác ngoại giao (!?).

Riêng Lý Hoàng Nam thì may mắn hơn khi có một ban bệ từ Công ty Cổ phần Đầu tư Thể thao Bình Dương đầu tư, tham vấn em nên tập ra sao, dự tranh giải đấu nào để cải thiện thứ hạng sao cho hiệu quả nhất. Để tài năng Lý Hoàng Nam tiếp tục bay cao, năm 2013 Bình Dương tiếp tục đầu tư hơn 1 tỉ đồng cho Nam du đấu tại châu Á (tháng 3), châu Âu (tháng 5-6).

Không chỉ Hoàng Nam, đương kim vô địch U-14 ITF châu Á Tiffany Nguyễn cũng sẽ được Bình Dương đầu tư trọng điểm phát triển tài năng, bất chấp tay vợt Việt kiều có thể sẽ theo gia đình về Mỹ khi cô lên 18 tuổi. Mong muốn lớn nhất của gia đình là Tiffany Nguyễn sẽ có thêm quốc tịch Việt Nam để có thể đại diện quê cha tranh tài tại các giải đấu quốc tế.

Hoàn toàn không thấy bóng dáng của VTF ở đây.

Đấy cũng là câu hỏi rất lớn cho tổ chức xã hội luôn đứng ngoài sự thăng tiếncủa các tài năng Việt Nam bay cao, bay xa nhờ túi tiền của gia đình hoặc sự đầu tư của địa phương.

MINH QUANG

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20130121124129752p0c1020/vi-sao-lien-doan-quan-vot-dung-ngoai-cuoc-choi.htm