Vì sao học sinh mãi 'nhờn' luật an toàn giao thông?

Dạo qua một số tuyến đường trên địa bàn thành phố, hình ảnh thường thấy là các em học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu vẫn xảy ra.

Học sinh đi xe đạp điện vi phạm luật GT có thể bị "phạt nguội". (Ảnh minh họa)

Học sinh đi xe đạp điện vi phạm luật GT có thể bị "phạt nguội". (Ảnh minh họa)

Tình trạng này còn xảy ra ở các cổng trường học ở các quận nội thành của thành phố. Vào khoảng 11h30, có mặt tại cổng trường THPT Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, phóng viên thấy hầu hết các em học sinh của trường đa phần đi xe máy, xe đạp điện tan trường mà không đội mũ bảo hiểm. Có nhiều em có mũ nhưng thay vì đội các em lại treo trên xe…

Chỉ khoảng 15 phút đồng hồ, hàng chục trường hợp các em học sinh đi xe điện, xe máy không đội mũ, chạy tốc độ nhanh, đèo ba, dàn hàng ngang cười đùa, không màng tới sự nguy hiểm khi tham gia giao thông.

Trần Duy Hưng - học sinh lớp 10A2, Trường THPT Xuân Đỉnh chia sẻ: “Em thấy các bạn đi học bằng xe máy, xe đạp điện nhiều và các bạn hay dựng xe máy bên ngoài cổng trường. Đặc biệt là các bạn không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông rất nguy hiểm.

Thực tế tại các trường học hiện nay, nhà trường không tổ chức cho các em gửi xe máy tại khuôn viên nhà trường thì các em thường tìm đến các hộ xung quanh trường để gửi phương tiện.

Một số hộ gia đình chuyên trông xe cạnh trường học, không phải chỉ có vài chiếc, mà những hộ này mỗi ngày trông đến vài chục chiếc xe máy, hầu hết là của học sinh gửi.

Một hộ bán nước gần trường học cho biết: “Hiện tượng các em học sinh đi học bằng xe máy không còn là chuyện lạ và dường như cũng chẳng mấy em đội mũ bảo hiểm. Đôi lúc vào giờ tan học đường phố đã nhỏ, các em còn tụ tập đợi nhau khiến con đường thêm tắc”.

Đã có những vụ va chạm giao thông từ xe điện, xe máy do học sinh không chấp hành luật giao thông. Tuy nhiên, tình trạng dàn hàng ngang, không đội mũ bảo hiểm đến trường vẫn còn khá phổ biển, dễ nhận thấy trên các tuyến đường Hà Nội.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trung bình mỗi năm số trẻ bị nạn khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe đạp, xe mô tô, xe máy chiếm 20%.

Đa phần các em đều không đội mũ bảo hiểm khi xảy ra tai nạn. Có thể nói, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em.

Trong một vài năm gần đây, xe điện ngày càng phổ biến và cho đến nay, phương tiện này đã trở thành loại phương tiện được ưa chuộng, đặc biệt là học sinh. Các bậc phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền mua cho con em mình sử dụng nhưng chưa chú ý hơn đến việc nhắc nhở con em mình đội mũ bảo hiểm vì loại phương tiện này có thể chạy đến vận tốc khá lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao về mất an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, thực trạng của rất nhiều học sinh đi xe máy đến trường vẫn đang diễn ra phổ biến. Nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ nhiều phụ huynh do quá nuông chiều con với lý do đi học thêm, trường lớp ở xa, muốn cho con đỡ vất vả nên đã giao xe máy để các em tự đi đến trường khi chưa đúng độ tuổi điều khiển.

Bác Tuấn, người chạy xe ôm gần trường học cho biết: “Tôi thấy nhiều em học sinh tham gia giao thông rất nguy hiểm khi không đội mũ. Bố mẹ phải quan tâm chuyện này hơn, chứ để các con chưa đủ 18 tuổi tự đi xe máy rồi chưa có bằng lái là đã không nên rồi”.

Nhiều em cho biết, việc điều khiển xe máy đến trường là chuyện bình thường bởi lý do nó giúp rút ngắn thời gian đến trường. Việc nâng cao ý thức của học sinh khi tham gia giao thông cần đến sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng, của nhà trường, gia đình và toàn xã hội.

Khi những quy định của Luật An toàn giao thông đường bộ và Nghị định 46/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, ý thức tham gia giao thông của người dân có chuyển biến, nhưng đối với các em học sinh ý thức đội mũ bảo hiểm khi đi xe điện, xe máy vẫn còn chưa cao.

Tình trạng này bao giờ mới được giải quyết một cách hiệu quả vẫn còn là câu hỏi được đặt ra, khi mà tất cả chúng ta đều mong muốn hướng đến một xã hội đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn.

Huế Phạm

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/vi-sao-hoc-sinh-mai-nhon-luat-an-toan-giao-thong-d38057.html