Vì sao HLV Nguyễn Hữu Thắng muốn... ngả bài đôi công?

Khi U.22 Việt Nam đá giao hữu với U.20 Argentina, thuyền trưởng Nguyễn Hữu Thắng tuyên bố chúng ta sẽ chơi sòng phẳng, và quả nhiên là sau đó các cầu thủ mở trận đấu, đá đôi công sòng phẳng với đối phương. Đến khi gặp U.22 Hàn Quốc tại vòng loại giải U.23 châu Á thì ông Thắng một lần nữa lại giữ nguyên quan điểm đá sòng phẳng với đội bóng chiếu trên này.  

Trong một trận đấu mà chỉ cần hoà là giành vị trí nhất bảng I vòng loại giải U.23 châu Á nhiều người tin rằng U.22 Việt Nam sẽ đá để hoà. Thực tế là đá với đối phương mạnh hơn thì "đá để hoà" bao giờ cũng dễ hơn đá đôi công sòng phẳng. Nhưng khi đội hình ra sân được công bố, U.22 Việt Nam đá với cặp tiền vệ làm bóng Tuấn Anh - Xuân Trường mà không cần bất cứ một tiền vệ quét nào phía sau thì ai cũng hiểu đấy là một cách bố trí nhân sự thiên về tấn công, chứ nhất định không phải kiểu bày binh để... hoà.

Sự thực là suốt 45 phút đầu tiên cả Việt Nam lẫn Hàn Quốc đều công - thủ sòng phẳng với nhau. Nhưng sang đến hiệp 2, khi đã có bàn dẫn trước làm lưng vốn thì chính U.22 Hàn Quốc lại bố trí một đội hình phòng thủ khoa học, còn U.22 Việt Nam lại tiếp tục đôi công. Và như thế toàn bộ trận đấu này, ông thầy xứ Nghệ đã thể hiện rõ tư tưởng dốc hết lực hết vốn để tấn công.

Từ chuyện tấn công trước Argentina đến chuyện tấn công trước Hàn Quốc, ông Thắng tạo cho người xem một cảm giác ông muốn luyện đi luyện lại thứ vũ khí mà mình sẽ sử dụng tại SEA Games 29 tới đây.

Một khoảnh khắc đẹp của cầu thủ U.22 Việt Nam trong trận đấu với Hàn Quốc.

Có lẽ trong lòng mình, ông Thắng thừa hiểu đôi công với Argentina thì chẳng khác gì tự sát. Đôi công trước Hàn Quốc rõ ràng cùng khó hơn và hóc hơn so với kiểu bày trận... để hoà. Nhưng ông vẫn muốn luyện cho các cầu thủ cái cảm giác tấn công trước những đối thủ tầm châu lục và thế giới, bởi nó sẽ là những trải nghiệm lớn để ít ngày tới đây chúng ta sẽ đôi công trước những Indonesia, Thái Lan... ở đấu trường Đông Nam Á.

Sau khi nhận lời mời của ông bầu, Phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức để ngồi lên ghế thuyền trưởng Đội tuyển Quốc gia và U.22 Quốc gia, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã được nhắn nhủ rất nhiều về một thứ bóng đá tấn công với quân Hoàng Anh Gia Lai làm chủ lực. Và trong suốt quá trình dài luyện tập vừa qua, ông cũng nhiều lần công khai nói với báo giới về thứ bóng đá này.

Khi một nhà báo đặt câu hỏi: "Thời còn là cầu thủ ông nổi tiếng là một trung vệ thép, tại sao bây giờ lại chuộng bóng đá tấn công?", ông Thắng cho biết: "Định kiến là điều rất nguy hiểm. Tôi muốn những định kiến về tôi thay đổi dần".

Đòn thật - Đòn ảo Thời thầy ngoại Alfred Riedl, trước mỗi trận đánh SEA Games, VFF thường tổ chức một giải bóng đá giao hữu quốc tế ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh để các cầu thủ được tập trận, luyện quân. Nhưng đấy đồng thời cũng là các trận đấu mà Đội tuyển lại phải đứng trước áp lực đá đẹp, đá chiến thắng để phục vụ người hâm mộ. Thế là các ông thầy ngoại thường phải tung mọi bài vở, đá hết ga hết số với đối phương. Thời ấy chúng ta không ngờ rằng các đối thủ tại SEA Games đều đã "gián điệp" mình và biết quá nhiều điểm yếu - điểm mạnh của mình. Trước thềm SEA Games năm nay thì có lẽ tất cả các nền bóng đá mạnh Đông Nam Á đều "gián điệp" nhau, vì tất cả đều tham gia vòng loại giải vô địch U.23 châu Á 2018. Vậy nên chuyện đòn thật - đòn ảo là điều chắc chắn đã được các vị HLV tính đến, thậm chí không loại trừ khả năng lại có ý nghĩa lớn tới sự thành bại sau cùng tại chiến trường SEA Games. Ngọc Anh

Theo quan điểm của người viết, với một dàn chủ lực binh Hoàng Anh Gia Lai giàu kỹ thuật, tư tưởng đôi công ở đấu trường SEA Games mà ông Thắng xác tín là có lý. Việc ông không quan tâm quá nhiều đến "tính mục đích" ở trận giao hữu với Argentina hay trận đấu chỉ cần hoà là đầu bảng với Hàn Quốc, để tạo điều kiện cho các cầu thủ trui rèn thứ bóng đá tấn công mà mình chọn lựa cũng là điều có lý. Từ sự có lý đó, người hâm mộ Việt Nam có quyền hy vọng U.22 Việt Nam sẽ thể hiện một bộ mặt giàu kỹ thuật và giàu tính cống hiến tại đấu trường SEA Games 29.

Tuy nhiên cũng hy vọng rằng bên cạnh thứ vũ khí đã được mài sắc nhọn và đã được tập trận một cách có chủ đích, U.22 Việt Nam vẫn có thể linh hoạt ứng biến trước những tình huống thực chiến phát sinh. Bởi chắc chắn những "trinh sát" của Thái Lan, Indonesia... lúc này cũng đã hiểu quá nhiều về thứ vũ khí của chúng ta, và lên kế hoạch ngăn cản nó.

Để đánh trận đường dài chắc chắn phải có vũ khí sở trường. Nhưng trong một trường hợp nào đó, khi vũ khí sở trường không đem lại hiệu quả thì người ta lại đòi hỏi tướng đánh trận phải có nhiều hơn một quân bài.

Đội ngũ y tế Đội tuyển cần thay đổi

Trong cuộc họp báo sau trận Việt Nam - Hàn Quốc, thuyền trưởng Nguyễn Hữu Thắng cho biết, ông không hài lòng với đội ngũ y tế, chăm sóc sức khoẻ cho cầu thủ. Lý do là bàn thua thứ 2 diễn ra trong bối cảnh đội ngũ y tế thực hiện công việc của mình quá chậm, khiến cầu thủ chấn thương không thể vào sân sớm, và thế là chúng ta thua bàn trong bối cảnh phải đá thiếu người.

Nhà cầm quân người xứ Nghệ cho biết trận Đội tuyển Việt Nam gặp Afghanistan ở vòng loại Asian Cup 2019, điều tương tự cũng từng xảy ra. Trước đó ở AFF Suzuki Cup vẫn là HLV Nguyễn Hữu Thắng phàn nàn đội ngũ y tế chẩn đoán không chính xác tình trạng chấn thương của tiền vệ Tuấn Anh, khiến ông mất cầu thủ này vào phút chót.

Không hiểu sau hàng loạt phản ánh có hệ thống của ông Thắng, điều này có được cải thiện kịp thời để chuẩn bị cho đấu trường SEA Games tới đây không?

Tuấn Thành

Phan Đăng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/The-thao-24h/Vi-sao-HLV-Nguyen-Huu-Thang-muon-nga-bai-doi-cong-450953/