Vì sao Hà Nội là 'tâm điểm' của sốt xuất huyết?

Tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, hoạt động diệt bọ gậy, phun hóa chất chống dịch tại khu vực có ổ dịch chưa triệt để, điều kiện vệ sinh môi trường hạn chế, ý thức phòng bệnh chưa cao… là những nguyên nhân gây bùng phát dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội.

Bệnh nhân điều trị SXH tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Vnexpress

Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 58.246 trường hợp mắc, 17 trường hợp tử vong do SXH. Số ca mắc SXH tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Riêng tại Hà Nội, tính đến thời điểm này có gần 6.700 bệnh nhân mắc SXH. Trong 17 trường hợp tử vong, Hà Nội có 3 người.

Bệnh nhân mắc SXH xuất hiện tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 411 xã, phường, thị trấn (chiếm 70% số xã, phường) của Thành phố. Các quận có số mắc cộng dồn cao là Đống Đa (1.407 người), Hoàng Mai (1.344 người), Hai Bà Trưng (508 người), Thanh Trì (427 người), Thanh Xuân (420 người), Hà Đông (406 người).

Tuy nhiên, hiện tại chỉ còn 236 (40,4%) xã, phường, thị trấn có bệnh nhân mắc mới trong 1 tuần gần đây. Nhờ phát hiện và điều trị sớm, nên hầu hết số bệnh nhân mắc SXH đã được điều trị khỏi và ra viện, hiện chỉ còn 700 trường hợp (chiếm 10%) đang điều trị tại các bệnh viện.

Từ đầu năm đến nay, ngành y tế Hà Nội đã ghi nhận 984 ổ dịch SXH. Tuy nhiên, các ổ dịch này hầu hết là nhỏ, chỉ có 1-2 bệnh nhân (712 ổ dịch, chiếm 72%), 197 ổ dịch có 3-5 bệnh nhân (chiếm 20%), chỉ có 75 ổ dịch có từ 6 bệnh nhân trở lên (chiếm 8%). Đến thời điểm hiện tại đã có 789 ổ dịch được khống chế (ổ dịch qua 14 ngày không xuất hiện bệnh nhân mắc mới, chiếm 80,1%).

Dịch tập trung ở các quận nội thành, chiếm 90% số bệnh nhân; 40% người mắc là học sinh và người lao động tự do, chủ yếu sống ở nhà trọ…

Lý giải nguyên nhân khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Y tế Hà Nội cho rằng, SXH là bệnh đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu; hiện Việt Nam chưa có vaccine cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Đặc biệt, việc tác nhân gây bệnh là virus Dengue có thêm tuýp D4 cũng sẽ làm gia tăng số trường hợp mắc bệnh.

Bên cạnh đó, Hà Nội là thành phố có dân số đông, tốc độ đô thị hóa cao; điều kiện vệ sinh môi trường hạn chế, mật độ dân cư cao, một số khu vực thiếu nước sạch, người dân phải tích trữ nước để sinh hoạt. Nhiều khu vực bãi đất trống, tiếp giáp, xen kẹt, khu nhà chưa có người ở, công trường xây dựng chứa nước... tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sản.

Qua điều tra, số dụng cụ chứa nước là nơi muỗi vằn đẻ trứng tăng lên hàng năm. Hiện nay có tới 14 loại, chủ yếu là ở các bể xi măng chứa nước không có nắp (chiếm trên 40%), tiếp đó là các xô, thùng chậu, chậu cảnh và phế liệu, phế thải, chậu hoa cảnh… tăng 3 loại so với năm 2016.

Hoạt động diệt bọ gậy, phun hóa chất chống dịch tại khu vực có ổ dịch chưa triệt để, hiệu quả chưa cao do nhiều hộ gia đình đi vắng, hoặc không hợp tác với nhân viên y tế chống dịch. Ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, mặc dù được tuyên truyền hướng dẫn nhưng chưa thực hiện diệt bọ gậy trong nhà mình để phòng bệnh.

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội chuẩn bị máy phun hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh SXH

Xử phạt các cá nhân, tổ chức không hợp tác phun hóa chất, vệ sinh môi trường

Ông Hoàng Đức Hạnh, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, năm nay dịch SXH đến sớm hơn tại Hà Nội. Thông thường, đỉnh dịch rơi vào tháng 9, nhưng năm nay ngay từ tháng 4 đã có bệnh nhân mắc, số bệnh nhân cũng tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian tới số ca mắc SXH tại Thủ đô có thể tiếp tục gia tăng do thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, muỗi phát triển mạnh.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, mặc dù dịch vẫn trong tầm kiểm soát, song ngành y tế Hà Nội vẫn tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp tăng cường công tác phòng dịch.

Cụ thể: Tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp chuyên môn kỹ thuật như giám sát điều tra xử lý ổ dịch SXH tại cộng đồng, thực hiện sớm công tác cấp cứu điều trị cho người bệnh mắc để hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; bảo đảm đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, ngành y tế Hà Nội tiếp tục huy động các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tham gia vào công tác phòng, chống dịch, mà cụ thể là tham gia vào chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. “Các cá nhân, đơn vị, tập thể không hợp tác trong chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất cần phải được cương quyết xử lý”, ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.

Sở Y tế cũng đề nghị các xã, phường, thị trấn thành lập các tổ tình nguyện viên tham gia công tác phòng chống dịch, tự bảo vệ sức khỏe của mình và cho cả cộng đồng tại địa phương.

Tại cuộc họp trực tuyến khẩn chiều ngày 24/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là diệt loăng quăng, lật úp các dụng cụ chứa nước.

“Bệnh SXH có thể phòng được và chữa được. Do đó, cần phải truyền thông mạnh hơn nữa, tới tận các xã, phường để người dân có ý thức vệ sinh tại chỗ ở, để phòng, chống loại muỗi gây bệnh sinh sản”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Thu Hà (tổng hợp)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/vi-sao-ha-noi-la-tam-diem-cua-sot-xuat-huyet/312367.vgp