Vì sao giới công nghệ hoang mang khi Donald Trump đắc cử

Donal Trump không ưa công nghệ. Cả thế giới đều biết điều này qua chiến dịch vận động tranh cử của ông. Điều đó giải thích vì sao giới công nghệ chuyển từ tâm trạng lo lắng sang hoang mang sau khi ông Trump vượt qua bà Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng được cho là gay cấn và kịch tính nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Cảm giác hoang mang, lo lắng của giới công nghệ không phải đến một cách vô căn cứ dựa trên cảm nhận mơ hồ mà xuất phát từ những hành động và lời nói của ông Trump, biểu hiện rõ nhất trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2016.

Trong 511 ngày tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng, ông Trump từng đề cập đến việc đóng cửa Internet vì “Những thứ mà con cái chúng ta nhìn thấy trên mạng sẽ tác động đến suy nghĩ của chúng”. Thậm chí, ông Trump còn cho rằng: “Cần nói chuyện với Bill Gates hay những người biết chuyện gì đang xảy ra để tìm biện pháp giải quyết vấn đề này. Một trong số đó là cấm Internet”.

Mối nghi ngờ ông Trump thiếu hiểu biết về công nghệ càng tăng lên khi vị tỷ phú này cho rằng: “Chúng ta không thể đọc 650 nghìn email trong 8 ngày” sau khi khi FBI kết luận sẽ không truy tố hình sự với bà Clinton sau cuộc điều tra liên quan đến sử dụng email cá nhân cho việc công. Trong khi trên thực tế, các chuyên gia máy tính chỉ mất 2 phút để viết đoạn mã lọc những email trùng nhau hay trong cùng một luồng. Điều này không khó lý giải khi trước đó ông Donald Trump từng thừa nhận: “Tôi không sử dụng email” khi trả lời phỏng vấn New York Times. Tân Tổng thống Mỹ cũng không tự tweet trên Twitter cũng như chẳng mấy khi chạm tay vào máy tính. Đến từ thời đại các doanh nhân điều hành doanh nghiệp không thông thạo việc gõ văn bản, trong tư duy của ông Trump, đó là công việc của thư ký và trợ lý.

Với tư tưởng bảo thủ trong cách nhìn nhận về Internet cũng như những hiểu biết hạn chế về công nghệ, giới công nghệ Mỹ cho rằng: Ông Trump chẳng hiểu gì về công nghệ, nên sẽ hạ thấp vai trò của công nghệ khi lên cầm quyền. Điều đó sẽ hủy hoại sự sáng tạo, đổi mới, một trong những động lực quan trong thúc đẩy nước Mỹ phát triển. Tâm trạng hoang mang, lo lắng càng tăng lên gấp bội khi ông Trump cụ thể lời nói bằng hành động khi đưa nhiều hãng công nghệ lớn vào “sổ đen” cá nhân.

Đầu năm 2016, Donal Trump kêu gọi tẩy chay Apple sau khi CEO Tim Cook từ chối mở khóa iPhone 5c mà kẻ khủng bố tham gia vụ xả súng đẫm máu ở San Bernardio (Mỹ) sử dụng khiến cuộc điều tra của FBI gặp rất nhiều khó khăn. Hơn thế, ông Trump còn đe dọa sẽ “buộc” Apple phải sản xuất các sản phẩm tại Mỹ thay vì Trung Quốc. Một trong những biện pháp mà ông Trump đề xuất là áp dụng mức thuế 35% với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa ở nước ngoài mà không thèm quan tâm đến lý do vì sao Apple lại làm như vậy.

Vì thế, sau chiến thắng đầy bất ngờ của ông Trump, CEO Tim Cook đã phải lên tiếng trấn an nhân viên nhằm tránh sự rạn nứt trong nội bộ cũng như xoa dịu lo lắng của họ: “Chúng ta đang sở hữu đội ngũ nhân viên đông đảo. Trong đó có những người ủng hộ cho từng ứng viên tranh cử tổng thống. Bất kể chúng ta ủng hộ bên nào, cách duy nhất tiến về phía trước là tiến cùng nhau.

Apple không phải là hãng công nghệ duy nhất bị Trump dọa nạt. Tỷ phú bất động sản này cũng cảnh báo Amazon sẽ gặp rắc rối, nếu ông đắc cử. Trong con mắt của ông Trump, việc Jeff Bezos mua Washington Post chẳng qua chỉ để tận dụng sức ảnh hưởng chính trị của tờ báo cho công việc kinh doanh, thậm chí để trốn thuế. Không chỉ có vậy, Amazon cũng bị ông Trump cáo buộc có hành vi độc quyền trên thị trường bán lẻ trực tuyến và điện toán đám mây. Do đó, nhiều khả năng các lĩnh vực kinh doanh này của Amazon sẽ bị đưa vào diện giám sát đặc biệt trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump bắt đầu từ ngày 20/1/2017. Điều đó cũng có nghĩa trong thời gian tới, mọi chiến lược hay quyết định liên quan đến lĩnh vực bán lẻ và điện toán đám mây sẽ phải được Amazon cân nhắc kỹ lưỡng hơn để tránh bị tân Tổng thống “sờ gáy”.

Chưa hết, Donald Trump còn cáo buộc các hãng công nghệ lớn như Google, Facebook và Twitter tham gia thực hiện âm mưu truyền thông khi tiến hành ngăn chặn có chủ đích các bài đăng tiêu cực về bà Hillary Clinton. Trong khi ông Trump đang thiếu thiện cảm với giới công nghệ thì bức thư ngỏ với chữ ký của 145 CEO và nhà đầu tư công nghệ tại Thung lũng Silicon (Mỹ) lên án vị tỷ phú này bằng nhiều lời lẽ khó nghe như đổ thêm giàu vào lửa. Sự thiếu thiện cảm với các cái tên xuất hiện trong bức thư như Irwin Jacobs (Qualcomm), Dustin Moskovitz (Facebook), Steve Wozniak (Apple)... sẽ khiến nhiều hãng công nghệ khó yên thân sau khi ông Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng.

Với sự thiếu hiểu biết về công nghệ cùng nhiều phát biểu gây sốc, việc ông Trump trở thành tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sẽ khiến tương lai công nghệ Mỹ trở nên bất định. Công nghệ Mỹ sẽ đi về đâu trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump là câu hỏi được nhiều người đặt ra vào lúc này.

Xem thêm:

Quang Huy

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/cong-nghe-doi-song-nghe-nhin/vi-sao-gioi-cong-nghe-hoang-mang-khi-donald-trump-dac-cu