Vì sao du lịch Đồng Tháp chưa phát triển?

Nếu đọc qua mạng, xem qua ảnh, du khách sẽ háo hức trước một xứ miền Tây - Đồng Tháp quyến rũ với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, hoa sen hồng, sen trắng bạt ngàn và sân chim tràn ngập các loài chim, thú quý nhất là khi chiều về. Nhưng thực sự, du lịch Đồng Tháp còn rất sơ sài và cần một chiến lược quảng bá mạnh mẽ hơn rất nhiều…

Thăm Xẻo Quýt và Gáo Giồng

Đường đi khá xấu, qua cầu sắt mong manh, vòng vèo mấy ngã rẽ mới đến được Xẻo Quýt - khu di tích cách mạng nằm cách trung tâm TP.Cao Lãnh gần 30km. Khách đến được hướng dẫn khá nhiệt tình: Hoặc là đi bộ theo đường mòn, hoặc ngồi trên xuồng ba lá bơi theo những con lạch nhỏ. Đi bộ thú vị hơn vì có thể ngắm tận mắt dấu tích còn lại của những hầm tránh bom chữ A, hầm bí mật cá nhân hình chữ L, công sự chiến đấu hình chữ Z… Khung cảnh trên đường thú vị hơn với hơn 170 loài thực vật: Tràm, gáo, sậy, trâm bầu, sen, súng… với những cầu gỗ lắt lẻo, gốc tràm nứt nẻ. Đi xuồng ba lá thì được các hướng dẫn viên đội mũ tai bèo, mặc áo bà ba hay áo thanh niên xung phong hướng dẫn.

Đi xuồng ba lá vào thăm Khu di tích Xẻo Quýt.

Ảnh: V.V

Khu du lịch Gáo Giồng gần hơn, chỉ cách TP.Cao Lãnh khoảng 20km. Khách có thể lựa chọn nằm võng ngắm thiên nhiên hoặc bơi xuồng (với giá 15.000 đồng/người, thuyền chở 4 người). Cô gái chèo xuồng trẻ măng sinh năm 1998 tên Ngọc Mẫn bảo khách du lịch đến đây không đông, mùa cao điểm mỗi cô chỉ chèo khoảng 4-5 chuyến. Mẫn sống bằng nghề đan nón tai bèo bằng lá lục bình, mỗi nón bán 80.000 đồng, tạm đủ sống.

Ngồi trên xuồng gần 1 giờ thả sức ngắm rừng tràm hoang sơ, các loài rau đồng vượt nước như bông điên điển, bông súng... và khi chiều tà ngắm từng đàn chim lũ lượt trở về. Ở Gáo Giồng có khoảng 15 loài chim nước sinh sống và làm tổ quanh năm như: Cồng cộc, trích mồng đỏ, le le, vịt trời, điên điển, diệc… và đông đúc hơn cả vẫn là cò trắng, thậm chí có ý kiến cho rằng rừng tràm này được xem là vườn cò lớn nhất hiện nay ở vùng Đồng Tháp Mười.

Tuy nhiên, nếu muốn thưởng thức các món đặc sản của xứ Đồng Tháp như cá lóc nướng gói với đọt sen, lá sâu nhái chấm mắm me, cá linh nấu canh chua bông điên điển, mắm kho chấm rau dừa... thì phải cuối tuần, còn đầu tuần các quầy hàng ăn quảng cáo rượu sen hồng tửu vắng tanh, bàn ghế xếp lại chả thấy người bán nào.

Còn nhiều bất cập

Trước đây Đồng Tháp có city tour - du lịch vòng quanh thành phố, nhưng rồi mai một dần theo thời gian, giờ chỉ có những nhóm nhỏ lẻ hay gia đình thuê hướng dẫn viên đi tour. Cái khó của Đồng Tháp là các điểm du lịch quá xa trung tâm TP.Cao Lãnh, như Tràm Chim, Đồng Tháp Mười, chợ chiếu Định Yên… đều cách khoảng 30-40km. Đường sá còn xấu, các điểm du lịch lại thường ngược chiều nhau, có nơi còn phải đi qua phà, không thể cùng một tuyến đường mà tham quan nhiều điểm được. Chưa kể, dịch vụ wifi không tốt, các biển quảng cáo du lịch còn ít và chỉ sát điểm đến mới có, còn dọc đường vắng tanh, dù con người và cảnh vật ở đây nhìn chung đều thân thiện.

Nói là “nhìn chung” vì khi đi vào Vườn quốc gia Tràm Chim, cô bán vé du lịch nhiệt tình nói với khách là mùa này (tháng 6 âm lịch) có thể xem chim thoải mái và giá vé đi tàu, xuồng không hề rẻ chút nào, từ 500.000-800.000 đồng/chuyến, tối đa chở 10 người và đi khá xa, khoảng trên dưới 12km.

Thế nhưng ông lái xuồng chở khách đi chỉ loanh quanh tý là kêu mùa này không có chim, mùa nước nổi chim mới về, còn hoa sen thì nở lác đác, chim chỉ thấy vài ba con. Đi xem vườn chim mà không được ngắm cảnh từng đoàn chim tung cánh trên trời thì phí quá! Vì thế, khách tới Đồng Tháp thường chỉ nghỉ lại 1-2 đêm, nếu không chỉ đi ngang qua xem cảnh mà không có nhu cầu tìm hiểu sâu thêm về văn hóa, lối sống của xứ miền Tây này.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/vi-sao-du-lich-dong-thap-chua-phat-trien-576957.bld