Vì sao du khách Trung Quốc luôn 'xấu xí' trong mắt người nước ngoài

Những vụ lùm xùm liên quan tới hành xử kém văn hóa của du khách Trung Quốc luôn xuất hiện trên các mặt báo nước ngoài khiến hình ảnh của họ ngày càng trở nên “xấu xí”.

Có một sự thật là, những bài đăng liên quan tới vấn đề này trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) luôn được đặt trên trang chủ.

Một nhóm khách du lịch Trung Quốc. (Ảnh: CNN)

Trên báo chí, du khách Trung Quốc thường được mô tả là những người ồn ào, bất lịch sự và không có ý thức tổ chức.

Trên tờ The Diplomat, tác giả David Volodzko nhận định rằng, giống như làn sóng nhập cư vào phương Tây, châu Á đang phải đối mặt với một nỗi lo tương tự về những du khách Trung Quốc.

“Họ phá các rạn san hô và vứt rác thẳng ra biển”, một tài xế taxi người Palau nói trên tờ SCMP về khách du lịch Trung Quốc hồi tháng 3/2015. Một tháng sau, chính phủ Palau đã cắt giảm khoảng một nửa các chuyến bay từ Trung Quốc tới Palau.

Nhà báo người Anh Adrian Michaels dùng cụm từ “quả bom hẹn giờ nhân khẩu học” khi nhắc tới dòng người di cư làm thay đổi những nét văn hóa đặc trưng của châu Âu. Điều tương tự cũng có thể xảy ra tại châu Á khi người Trung Quốc đang chiếm 1/3 trong số những người ngoại quốc sinh sống tại Nhật Bản, tương tự ở Mông Cổ là 2/3 và Hàn Quốc là một nửa.

Theo David, điều này hoàn toàn không phải là vấn đề với các quốc gia kể trên nếu những du khách Trung Quốc không đặc biệt “khét tiếng” với những hành vi cư xử nơi công cộng không mấy lịch sự, văn hóa.

“Nhà vô địch bóng bàn Wang Nan nói rằng chồng cô ấy đã cư xử đúng khi để vòi nước trong khách sạn tại Nhật Bản chảy liên tục để “trả đũa” Nhật Bản vì xâm lược Trung Quốc 85 năm trước”, tờ Asahi Shimbun đưa tin tuần trước.

Du khách Trung Quốc thường khá ồn ào khi xuất hiện ở nơi công cộng.

Những câu chuyện như vậy về người Trung Quốc xuất hiện với tần suất liên tục trên báo chí và các kênh truyền thông nước ngoài.

Hồi tháng 4, khách du lịch Trung Quốc xuất hiện trên truyền hình Nhật Bản với một hình ảnh xấu xí: trèo lên cây hoa anh đào, biểu tượng của đất nước mặt trời mọc, để chụp ảnh. Trên các diễn đàn, mạng xã hội Nhật Bản, người ta cho rằng cần có một khu vực dành riêng cho người Trung Quốc nhằm hạn chế những hành động tương tự.

Chính quyền Hokkaido đã công bố một cuốn sách hướng dẫn cư xử văn minh tại những nơi công cộng đối với người Trung Quốc, sau đó các cơ quan du lịch Thái Lan và thậm chí cả hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã cũng đưa ra một cuốn sách tương tự. Bắc Kinh còn lập ra một danh sách gồm 9 điều vi phạm có thể cấm bay cả đời nhưng cũng không thể giải quyết được vấn đề.

Tháng trước, một người đàn ông Trung Quốc đã tới thăm đảo Jeju, Hàn Quốc và dùng dao đâm chết một người phụ nữ đang cầu nguyện. Sau đó, anh ta giải thích rằng người phụ nữ ấy làm anh liên tưởng tới vợ cũ.

Cũng tại Jeju tháng trước, một nhóm du khách Trung Quốc đã đánh đập dã man một phụ nữ vì cô yêu cầu họ không được mang rượu vào trong quán ăn. Sau đó, họ tiếp tục đánh đập cô này tới mức xuất huyết não khi được yêu cầu thanh toán tiền ăn.

Tờ JoongAng Ilbo dẫn nguồn cảnh sát cho biết khoảng 95% hành vi phạm tội trên đảo Jeju là do người Trung Quốc gây ra.

Dù vậy, không phải tất cả du khách Trung Quốc đều hành xử thô lỗ, mà thông thường những người được giáo dục thường cư xử lịch sự hơn. Đó chính là lý do vì sao người già hoặc ở độ tuổi trung niên, những người không được hưởng nền giáo dục đầy đủ vào thời kỳ biến động chính trị ở Trung Quốc, lại thường hành xử kém văn hóa hơn.

Tiến sĩ Quản lý Du lịch và Khách sạn Yong Chen tại Đại học Bách khoa Hồng Kông nhận định rằng hầu hết khách du lịch Trung Quốc “xấu xí” đều không có ý định cư xử như vậy, mà họ chỉ đơn giản là chính mình – là người Trung Quốc chứ không coi mình là khách du lịch.

Dù chính phủ Trung Quốc vẫn đang cố gắng cải thiện hình ảnh của du khách nước này trong mắt người nước ngoài nhưng tình hình vẫn không được cải thiện là bao.

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/vi-sao-du-khach-trung-quoc-luon-xau-xi-trong-mat-nguoi-nuoc-ngoai-a303393.html