Vì sao doanh nghiệp “ngại” khiếu nại hành vi cạnh tranh không lành mạnh?

Môi trường cạnh tranh trên thị trường nội địa đang có nhiều biểu hiện xấu không thể chấp nhận được”, đó là nhận định của PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương tại Hội thảo đánh giá tình hình thực thi Luật Cạnh tranh Việt Nam và định hướng hoàn thiện được Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT), Bộ Công thương tổ chức sáng 4/11.

Toàn cảnh Hội thảo

Môi trường cạnh tranh có nhiều biểu hiện xấu

Cũng theo ông Thắng, những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh, lạm dụng độc quyền, trên thị trường ngày càng nhiều hàng nhái, hàng giả. Hành vi quảng cáo không trung thực ngày càng trắng trợn trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Hiện tượng bố trí quân xanh, quân đỏ, quân vàng trong đấu thầu, đấu giá, khuyến mại ngày càng tinh vi và phổ biến. Sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp (DN) Nhà nước và tư nhân, giữa DN trong nước và nước ngoài, giữa DN lớn và nhỏ không những không giảm mà còn gia tăng. Đáng lo ngại là đã có sự cấu kết giữa DN làm ăn bất chính với một bộ phận truyền thông làm sân sau và một số cán bộ quản lý Nhà nước biến chất ngày càng được dàn dựng một cách bài bản, tinh vi và mang lại hậu quả khôn lường.

Theo ông Thắng, nguyên do là thể chế chưa phù hợp, chưa tạo được môi trường kinh doanh nói chung và môi trường cạnh tranh nói riêng phù hợp với thời thế. Vì vậy, ông Thắng cho rằng, cần tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý cạnh tranh, xây dựng cơ chế hợp tác trong khu vực, chú ý đến văn hóa kinh doanh, văn hóa trong cạnh tranh, có biện pháp hữu hiệu và quyết liệt ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh…

Theo số liệu của Cục QLCT, qua 10 năm thực hiện Luật Cạnh tranh, trung bình mỗi năm Cục QLCT thực hiện điều tra tiền tố tụng từ 10 đến 12 vụ việc liên quan đến các hành vi hạn chế cạnh tranh. Đồng thời, thông qua quá trình điều tra, xử lý 08 vụ việc hạn chế cạnh tranh, với gần 70 DN bị điều tra, các cơ quan về cạnh tranh đã ra quyết định xử lý, thu về ngân sách gần 5,5 tỷ đồng.

Cũng tính đến hết năm 2015, Cục QLCT đã thụ lý 28 vụ việc thông báo tập trung kinh tế (TTKT) và nhiều vụ việc tham vấn khác cả trước và trong quá trình các DN thực hiện TTKT. Đồng thời, tiếp nhận hơn 300 khiếu nại về cạnh tranh không lành mạnh, tiến hành điều tra tổng số 158 vụ và ra quyết định xử phạt trong 150 vụ đã điều tra. Có DN doanh thu 2000 tỷ đồng thì mức phạt cao nhất lên đến 10% doanh thu.

Căn cứ theo nhóm hành vi vi phạm, các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh thường diễn ra dưới nhiều hình thức, theo nhiều dạng hành vi vi phạm khác nhau, trong đó chủ yếu là các hành vi quảng cáo hoặc hoặc bán hàng đa cấp bất chính… Theo số liệu tổng hợp, nhóm vụ việc liên quan đến hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số các vụ việc được điều tra, xử lý (chiếm tới 62%), tiếp theo là các vụ việc liên quan tới hành vi bán hàng đa cấp bất chính (chiếm 17%).

DN ngại khiếu nại

Theo ông Phùng Văn Thành, Phó Trưởng phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh, Cục QLCT, qua 10 năm thực hiện Luật Cạnh tranh, trên cả nước mới chỉ tiếp nhận được 300 khiếu nại về cạnh tranh không lành mạnh. Trên thực tế, nhận thức của DN đối với Luật Cạnh tranh còn thấp và tâm lý ngại khiếu nại đã dẫn đến tình trạng nhiều DN tự từ bỏ quyền được bảo vệ của mình. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương do chưa nhận thức hoặc chưa hiểu một cách đầy đủ các quy định của pháp luật cạnh tranh nên đã vô tình ban hành văn bản hoặc có những hành vi mang tính chất hành chính không phù hợp với các quy định của pháp luật.

Còn theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, sau 10 năm thực thi luật, số lượng vụ việc vi phạm cạnh tranh lành mạnh được giải quyết còn khá ít. Bên cạnh lý do về thể chế, thủ tục, ông Huỳnh cho rằng, còn có nguyên do chưa thu hút được niềm tin của DN, trong khi người dân hầu như không khiếu nại, ngoài những việc ảnh hưởng quyền người tiêu dùng, còn DN thì tự thỏa thuận, đi đêm với nhau.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Nguyễn Phương Nam nhận định, một trong các khó khăn trong xử lý vi phạm cạnh tranh hiện nay là thành viên Hội đồng cạnh tranh thường là những cán bộ kiêm nhiệm, không chuyên trách. Trên thực tế, vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền là những vụ việc rất phức tạp, hồ sơ vụ việc có thể lên đến hàng nghìn bút lục. Trong khi đó, các thành viên Hội đồng cạnh tranh xử lý lại không chuyên trách, chuyên sâu nên khoảng thời hạn 30 ngày để đưa ra quyết định xử lý vụ việc là không hợp lý.

Thực tế, với một vụ việc được thu thập thông tin và chứng cứ trong khoảng thời gian gần một năm, thì trong vòng 30 ngày, các thành viên của Hội đồng xử lý khó có thể hiểu được một cách rõ ràng mọi thông tin vụ việc, điều này ảnh hưởng đến tính chính xác của quyết định của Hội đồng xử lý đối với vụ việc. Ông Nam cũng cho hay, khi dư luận đặt ra vấn đề có vi phạm cạnh tranh lành mạnh trong mua bán sáp nhập của Big C, Metro, cơ quan quản lý cạnh tranh đã vào cuộc và đã ra kết luận với Metro, còn Big C vẫn đang xem xét.

Đáng quân tâm, theo quy định hiện hành, việc xác định sức mạnh thị trường của DN có thể dựa vào thị phần, theo đó khi một (một nhóm) DN đạt được một ngưỡng thị phần nhất định thì mặc nhiên được coi là có vị trí thống lĩnh trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế vẫn có khả năng DN đứng đầu thị trường, mặc dù không nắm giữ tới 30% thị phần, nhưng lại có sức mạnh thị trường vượt trội so với phần còn lại của thị trường, nên hoàn toàn có khả năng đưa ra những quyết định có ảnh hưởng tới toàn thị trường. Vì vậy, khi sửa luật, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét sửa đổi qui định này.

Trần Kiên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/vi-sao-doanh-nghiep-ngai-khieu-nai-hanh-vi-canh-tranh-khong-lanh-manh_t114c5n111608