Vì sao doanh nghiệp được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

Mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp sẽ được giảm từ 1% tiền lương tháng xuống còn 0,5% nhưng mức đóng của người lao động vẫn giữ nguyên là 1% tiền lương tháng như quy định hiện hành

Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. (Nguồn: TTXVN)

Mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp sẽ được giảm từ 1% tiền lương tháng xuống còn 0,5%, còn mức đóng của người lao động vẫn giữ nguyên là 1% tiền lương tháng như quy định hiện hành..

Đây là nội dung dự thảo Nghị quyết điều chỉnh mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng.

Doanh nghiệp tiết kiệm 3.000 tỷ đồng/năm

Trên tinh thần của Nghị quyết số 35/NQ-C,Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã nghiên cứu tình hình thực hiện và kết dư của các quỹ bảo hiểm thì nhận thấy, bảo hiểm y tế hiện nay có nguy cơ âm, quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc là quỹ dài hạn, việc giảm mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi về bảo hiểm xã hội như chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất... sau này của người lao động.

Đối với hai quỹ ngắn hạn là quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ về giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động từ mức 1% xuống 0,5% quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội. Đối với quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về điều chỉnh mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dung lao động quy định tại Điều 57 Luật việc làm.

Theo tính toán của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nếu giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng từ 1% xuống 0,5% thì tổng thu bảo hiểm thất nghiệp mỗi năm giảm khoảng 25%. Mỗi năm, từ việc giảm tỷ lệ đóng thì doanh nghiệp đã được hỗ trợ khoảng 3.000 tỷ đồng.

Tư vấn hướng dẫn người lao động tìm việc và hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Chỉ giảm đóng cho doanh nghiệp

Hiện nay, mỗi tháng người lao động trích 10,5% tiền lương để đóng các loại bảo hiểm, trong đó 8% đóng bảo hiểm xã hội, 1,5% đóng bảo hiểm y tế và 1% đóng bảo hiểm thất nghiệp. Trong lần điều chỉnh giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động vẫn phải đóng 1%, chỉ có người sử dụng lao động được giảm từ 1% xuống còn 0,5%.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho rằng nếu điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, thì phải giảm cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Nếu chỉ giảm cho người sử dụng lao động thì không công bằng vì hiện nay không chỉ các doanh nghiệp gặp khó mà người lao động cũng đang gặp khó khăn.

Theo ông Lê Đình Quảng, từ khi có đóng bảo hiểm thất nghiệp, không chỉ người lao động có lợi mà người sử dụng lao động cũng được hưởng lợi vì không phải trả trợ cấp cho người lao động. Vì vậy, cần có sự bình đẳng khi giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, nếu không sẽ gặp phải sự phản ứng của người lao động.

Số liệu thu và chi của quỹ bảo hiểm thất nghiệp. (Nguồn: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Đơn vị: Tỷ đồng)
Lý giải có việc chỉ giảm mức đóng của người sử dụng lao động chứ không giảm của người lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, việc giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động nhằm mục tiêu giảm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh, tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp trên tinh thần Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP và Nghị quyết số 97/NQ-CP.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết thêm, bảo hiểm xã hội là quỹ ngắn hạn sẽ tăng giảm theo từng thời kỳ, do đó, việc giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, sau đó tiếp tục đánh giá và nghiên cứu đề xuất điều chỉnh mức đóng đối với người lao động nếu thấy cần thiết.

Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp cao, tính đến cuối năm 2015 là 49.180 tỷ đồng, dự báo đến năm 2020, quỹ vẫn đảm bảo an toàn.

Đặc biệt, năm 2016, tổng thu bảo hiểm thất nghiệp là 11.728 tỷ đồng, trong khi đó chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp chỉ 5.772 tỷ đồng. Vì vậy, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất giảm tỷ lệ đóng cho người sử dụng lao động 1% xuống 0,5% từ 1/6/2017 đến hết năm 2019./.

Có nên giảm đóng Bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động? (Nguồn: VNEWS)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/vi-sao-doanh-nghiep-duoc-giam-muc-dong-bao-hiem-that-nghiep/443476.vnp