Vì sao đã tạm đình chỉ vụ án, Hoa hậu Phương Nga vẫn bị hạn chế đi lại?

GiadinhNet – Liên quan đến vụ Trương Hồ Phương Nga - Cao Toàn Mỹ, việc tạm đình chỉ có tính chất là dừng việc giải quyết vụ án hình sự trong một khoảng thời gian nhất định chứ không phải là kết thúc vụ án.

Hoa hậu Phương Nga lộ diện tươi tắn sau 1 tháng tại ngoại

Chiều 9/8, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến bị can Trương Hồ Phương Nga (Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) và bị can Nguyễn Đức Thùy Dung - cùng bị truy tố về hành vi chiếm đoạt của ông Cao Toàn Mỹ 16,5 tỉ đồng thông qua việc lừa mua nhà.

Lý do tạm đình chỉ, được cơ quan điều tra đưa ra là, với 9 yêu cầu điều tra bổ sung tòa án đưa ra, cơ quan điều tra không thể làm kịp trong thời gian 1 tháng theo luật định nên ra quyết định tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả giám định và xác minh, làm rõ. Sau khi có kết quả, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định phục hồi điều tra vụ án.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, với những thông tin từ cơ quan CSĐT công bố thì vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị cáo Phương Nga và Thùy Dung đã được tạm đình chỉ giải quyết vụ án, chứ không phải là đình chỉ giải quyết vụ án.

Tạm đình chỉ có tính chất là dừng việc giải quyết vụ án hình sự trong một khoảng thời gian nhất định chứ không phải là kết thúc vụ án.

Theo Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, vụ án được tạm đình chỉ nhưng Hoa hậu Phương Nga sẽ vẫn bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Cụ thể, Điều 160 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về tạm đình chỉ giải quyết vụ án hình sự nêu rõ: Khi bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y thì có thể tạm đình chỉ điều tra trước khi hết hạn điều tra.

Trường hợp chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì chỉ tạm đình, chỉ điều tra khi đã hết thời hạn điều tra.

Trường hợp đã trưng cầu giám định nhưng chưa có kết quả giám định mà hết thời hạn điều tra thì tạm đình chỉ điều tra, và việc giám định vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.

Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả các bị can, thì có thể tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can.

Nếu không biết bị can đang ở đâu thì cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra.

Như vậy để đình chỉ giải quyết vụ tạm đình chỉ giải quyết vụ án nêu trên thì cơ quan điều tra phải chỉ ra được căn cứ theo quy định tại điều 160 bộ luật tố tụng hình sự. Đồng thời, vụ án sẽ được tiếp tục giải quyết khi lý do tạm đình chỉ không còn.

Trong trường hợp này, Phương Nga và Thùy Dung vẫn tiếp tục bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo luật sư Cường, về nguyên tắc áp dụng luật tố tụng hình sự thì khi đã khởi tố bị can thì cơ quan tố tụng phải áp dụng một trong hai biện pháp là tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú. Biện pháp ngăn chặn này sẽ được duy trì cho tới khi vụ án hình sự kết thúc bằng bản án hoặc quyết định của cơ quan tố tụng.

Đến nay vụ án chưa kết thúc, chưa xác định được có oan sai hay không nên quyền và lợi ích hợp pháp của Phương Nga và Thùy Dung sẽ là quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo.

Đỗ Lực

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/vi-sao-da-tam-dinh-chi-vu-an-hoa-hau-phuong-nga-van-bi-han-che-di-lai-20170810142551129.htm