Vì sao Đà Nẵng được tặng bản đồ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa?

Đó là câu hỏi của nhiều bạn đọc sau khi báo điện tử Infonet đưa tin anh Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ chuyển tặng TP Đà Nẵng toàn bộ 150 bản đồ, 3 cuốn kỷ yếu và 3 cuốn atlas (tập bản đồ) khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà anh sưu tập được.

Bản đồ tỉnh Quảng Đông trong cuốn Postal Atlas of China ("Trung Hoa bưu chính dư đồ") xuất bản năm 1933. Phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc trong bản đồ này cũng chỉ vẽ đến đảo Hải Nam

Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi xin nêu lại, trong số 150 bản đồ mà Trần Thắng tặng Đà Nẵng có 110 bản đồ gốc có niên đại từ 1626 - 1980 và 40 bản đồ tái bản; được chia làm 3 nhóm, gồm 80 bản đồ ghi nhận cực nam của lãnh thổ Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam, hoàn toàn không đề cập gì đến Hoàng Sa và Trường Sa; 50 bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm sát lãnh thổ Việt Nam, có chú thích tên tuổi các địa danh liên quan đến lãnh thổ trên đất liền Việt Nam; 10 bản đồ hàng hải và 10 bản đồ tổng thể châu Á, Đông Nam Á thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam.

Đặc biệt hơn nữa là 3 cuốn atlas "Trung Quốc địa đồ" do phái bộ The China Inland Mission có trụ sở ở Thượng Hải, London, Philadelphia, Toronto và Melburn biên soạn và phát hành năm 1908 bằng tiếng Anh của nhà Thanh (Trung Quốc), "Trung Hoa bưu chính dư đồ" do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa Dân Quốc xuất bản lần đầu năm 1919 ở Nam Kinh bằng 3 thứ tiếng Trung - Anh - Pháp và "Trung Hoa bưu chính dư đồ" do Tổng cục Bưu chính, thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa dân quốc tái bản tại Nam Kinh năm 1933, cũng in bằng 3 thứ tiếng Trung - Anh - Pháp.

Đây là những tài liệu chính thống do hai triều đại nối tiếp nhau của nhà nước Trung Quốc (là nhà Thanh và Trung Hoa Dân Quốc) phát hành vào nhiều thời điểm lịch sử khác nhau, thể hiện rằng Trung Quốc luôn thừa nhận cương vực phía Nam của họ chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, còn Hoàng Sa và Trường Sa thì chưa bao giờ thuộc về chủ quyền của họ. Điều này khẳng định những tuyên bố Trung Quốc về việc có "chủ quyền lịch sử" hay "vùng nước lịch sử" đối với Hoàng Sa, Trường Sa là hoàn toàn không có cơ sở".

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn độc quyền TS Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng (nơi tiếp nhận số bản đồ mà anh Trần Thắng chuyển về tặng TP Đà Nẵng) để tìm lời đáp cho câu hỏi "vì sao Trần Thắng tặng số bản đồ nêu trên cho Đà Nẵng", đồng thời tìm hiểu thêm về những kế hoạch của TP này trong việc khai thác, phát huy giá trị của những tấm bản đồ quý đã nhận được.

TS Trần Đức Anh Sơn: Có rất nhiều nơi, nhiều người mong muốn có được số bản đồ mà Trần Thắng đã sưu tập, nhưng anh quyết định tặng dành toàn bộ cho TP Đà Nẵng. Đó là vì, như Thắng tâm sự với tôi, khi anh kêu gọi mọi người đóng góp để mua bản đồ thì các địa phương khác tỏ vẻ rất hờ hững, chỉ riêng Đà Nẵng là nhiệt tình hưởng ứng.

Còn ở chỗ công khai, Thắng nói Đà Nẵng có đề tài nghiên cứu “Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - TP Đà Nẵng” do tôi là một người bạn của Thắng cùng các đồng nghiệp trong Viện thực hiện và đã được nghiệm thu, nghĩa là đã có nền tảng nghiên cứu từ trước nên Thắng tặng số bản đồ kể trên cho Đà Nẵng để tiếp tục nghiên cứu thì có lợi hơn.

Cuốn Postal Atlas of China (Trung Hoa bưu chính dư đồ)do Trung Hoa dân quốc xuất bản năm 1933.

Thứ hai, Trần Thắng nhận xét Đà Nẵng trong thời gian qua có một chính quyền rất mạnh mẽ, làm được rất nhiều việc cho nhân dân TP và cho đất nước. Về vấn đề biển đảo, trong khi nhiều địa phương khác tỏ vẻ không mạnh dạn, không mặn mà lắm vì cho đây là vấn đề "nhạy cảm" thì Đà Nẵng đã có những bước đột phá đi trước. Vì vậy Thắng trao tặng số bản đồ này là hy vọng TP Đà Nẵng sẽ phát huy được giá trị của nó.

Quá trình sưu tập bản đồ chủ quyền của Trần Thắng về mặt thời gian là ngắn, nhưng khối lượng đã thực hiện và hiệu quả là rất lớn mà có lẽ từ trước đến nay trong giới sưu tập bản đồ ở Việt Nam chưa có?

TS Trần Đức Anh Sơn: Theo tôi biết thì bộ sưu tập của Trần Thắng về bản đồ chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa đến thời điểm này là lớn nhất. Trước đó, bộ sưu tập bản đồ của nhà sưu tập Nguyễn Đình Đầu là lớn nhất, khoảng 100 cái, nhưng được tập hợp trong quá trình rất lâu dài. Còn Trần Thắng thì "cấp tập".

Nếu ông Nguyễn Đình Đầu sưu tập bằng phương pháp truyền thống thì Trần Thắng vận dụng internet, công nghệ thông tin... và có sự hỗ trợ của các thành viên trong Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam ở Hoa Kỳ nên chỉ trong thời gian ngắn nhưng anh đã sưu tập được một khối lượng bản đồ lớn và rất có giá trị.

Ngay như bản thân tôi đến nay mới sưu tập được 56 bản đồ nhưng chỉ có 1 bản đồ gốc là tờ "Bản quốc địa đồ" trong cuốn sách giáo khoa "Khải đông thuyết ước" của thời Tự Đức, vẽ vùng biển của xứ Quảng Nam và Thừa Thiên có ghi rõ "Hoàng Sa chữ" (tức là bãi Hoàng Sa". Còn lại đều là phiên bản của các bản đồ do phương Tây in, được scan và chuyển quyền sử dụng cho tôi chứ tôi không có được bản đồ gốc. Trong khi đó, số bản đồ mà Trần Thắng tặng TP Đà Nẵng đều là bản đồ gốc, kể cả các bản đồ tái bản thì cũng do các nhà xuất bản tái bản đàng hoàng chứ không phải phiên bản.

Với số bản đồ đó sẽ giúp ích như thế nào một khi chúng ta phải đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa ra tòa án quốc tế để phán xét?

TS Trần Đức Anh Sơn: Bản đồ không phải là tư liệu để mình đưa ra tòa giải quyết tranh chấp, nhưng nó có giá trị cung cấp thông tin để chuẩn bị hồ sơ khi đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ ra tòa án quốc tế phân xử. Hồ sơ đó bao gồm hồ sơ về pháp lý và hồ sơ về chứng cứ lịch sử. Các bản đồ như của Trần Thắng tặng cho Đà Nẵng chính là một phần để cung cấp thông tin cho hồ sơ về chứng cứ lịch sử.

Hơn nữa, ngoài bản đồ của Việt Nam và các nước phương Tây in thì trong số bản đồ Trần Thắng tặng Đà Nẵng có các bản đồ chính thức do chính Trung Quốc in, khẳng định lãnh thổ của họ không bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa. Một khi bản đồ chính thức do nhà nước Trung Quốc phát hành đã xác định rõ như vậy thì những tuyên bố về chủ quyền của họ hiện nay là trái với những cái họ đã tuyên bố trước đây. Điều đó cũng góp thêm cơ sở chứng lý cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo về chủ quyền biển, đảo.

Tôi xin nhắc lại lần nữa, bản đồ không phải là cơ sở pháp lý để tòa phán xét, nhưng bản đồ cung cấp thêm thông tin và chứng lý để bổ sung vào các bộ hồ sơ pháp lý, cũng như bổ sung các tư liệu lịch sử nâng cao mặt nhận thức cho người dân trong cuộc đấu tranh này. Và những đóng góp của Trần Thắng vào đó là rất đáng quý.

Việc làm đáng quý đó của anh Trần Thắng đã tạo ra những hiệu ứng xã hội như thế nào, thưa ông?

TS Trần Đức Anh Sơn: Khi làm việc này, Thắng đã gọi điện, gửi email cho nhiều người khác và đã có hơn 20 người (có tên tuổi đàng hoàng) ở trong và ngoài nước quyên góp cho Thắng mua bản đồ. Nghĩa là việc làm của Thắng đã tạo ra được hiệu ứng xã hội, kêu gọi được nhiều người khác có tấm lòng với đất nước bỏ tiền ra để mua bản đồ. Tôi nghĩ việc này rất hay về mặt thông tin. Nếu Chính phủ phát động tốt thì người Việt Nam ở trong và ngoài nước sẽ sẵn sàng đóng góp.

Đơn cử như sau khi có thông tin báo chí về việc Trần Thắng gửi bản đồ về cho tôi để tặng TP Đà Nẵng thì có một ông tên là Nguyễn Đức gửi cho tôi một bức thư, khi mở ra thì trong đó có hai tờ bản đồ và một tờ giấy ghi vỏn vẹn mấy chữ "Kính gửi ông Sơn hai bản đồ của Hà Lan 1896 và 1912. Chúc sức khỏe. Nguyễn Đức" và cho một địa chỉ email.

Sau khi xem xét, chúng tôi nhận thấy đó là tờ bản đồ "Đông Dương thuộc Pháp" (1896) thể hiện hết toàn bộ lãnh thổ của Việt Nam có Hoàng Sa, Trường Sa và tờ bản đồ "Quảng Đông và vùng biển Quảng Đông" không có Hoàng Sa và Trường Sa. Hai tờ bản đồ này được ông Nguyễn Đức lấy từ hai cuốn sách của Đức nhưng có lẽ ông nhầm là của Hà Lan.

Bản đồ tỉnh Quảng Đông trong cuốn Atlas of the Chinese Empire (Trung Quốc địa đồ) xuất bản năm 1908. Phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc trong bản đồ này chỉ vẽ đến đảo Hải Nam.

Thực ra, về mặt giá trị thì hai bản đồ này không phải quý lắm nhưng qua đó cho thấy, từ việc làm của Thắng đã khơi dậy cho nhiều người khác khi tìm được các bản đồ liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì gửi cho các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn cung cấp thêm thông tin để nghiên cứu. Điều đó là rất đáng quý!

Vấn đề quan trọng là khai thác và phát huy giá trị của số bản đồ mà Trần Thắng tặng như thế nào cho thật có hiệu quả. Vậy TP Đà Nẵng đã có kế hoạch gì hay chưa?

TS Trần Đức Anh Sơn: Đối với 92 bản đồ, 3 cuốn kỷ yếu và 3 cuốn atlas "Trung Quốc địa đồ" (1908) và "Trung Hoa bưu chính dư đồ" mà Trần Thắng gửi cho Đà Nẵng đợt 1 (tháng 11/2012), hiện đang được gửi lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng. Chúng tôi đã bàn bạc với UBND huyện Hoàng Sa dự kiến tổ chức trưng bày trong tháng 1/2013 và đang chờ ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền.

Còn đối với 43 tờ bản đồ và cuốn atlas "Trung Hoa bưu chính dư đồ" (1919) mà Trần Thắng vừa gửi về hôm 3/1, việc đầu tiên là chúng tôi sẽ scan toàn bộ rồi mời một hội đồng để tiến hành thẩm định, lựa chọn. Sau đó sẽ đánh ra đĩa tặng cho một số cơ quan như Viện Biển Đông, Ủy ban Biên giới của Bộ Ngoại giao, UBND huyện đảo Hoàng Sa, UBND huyện đảo Trường Sa, Trung tâm Biển đảo của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM và một số tổ chức có liên quan để có thêm tư liệu nghiên cứu.

Chúng tôi cũng dự kiến xin kinh phí để tổ chức cuộc triển lãm đầy đủ hơn vào mùa hè sắp tới, có thể là tại Bảo tàng Đà Nẵng hoặc Công viên Biển Đông nhân tuần lễ biển đảo của TP Đà Nẵng. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn là TP Đà Nẵng sẽ ủng hộ việc này để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ quyền biển, đảo cho người dân.

Số bản đồ mới nhận này đã được Trần Thắng tiến hành phân loại, viết chú thích cho từng tấm bản đồ, tự tay đóng gói và tìm người tin cậy nhờ mang những tư liệu quý này về nước trao cho Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng. Bây giờ mình đem ra là có thể trưng bày được ngay mà không cần phải làm thêm gì nữa cả. Chỉ có 3 cuốn atlas thì sẽ làm các hộp kính để bỏ vào cho mọi người thưởng lãm.

Ngoài ra, Công an TP Đà Nẵng có chuyển cho chúng tôi một số tài liệu để phối hợp cùng tài liệu mà chúng tôi có tổ chức các buổi nói chuyện với học sinh, sinh viên, trình chiếu hình ảnh cho các em xem. Ngược lại chúng tôi cũng sẽ chuyển cho Công an TP đĩa ghi hình số bản đồ mà Trần Thắng tặng để họ tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề với các tổ chức, đoàn thể quần chúng. Bên Công an TP cũng rất ủng hộ việc chúng tôi tiến hành các cuộc triển lãm sắp tới.

Cuốn Atlas of the Chinese Empire (Trung Quốc địa đồ) xuất bản năm 1908.

Việc tổ chức những cuộc triển lãm như vậy là rất cần thiết, tuy nhiên chỉ phục vụ được số lượng người xem có hạn, chủ yếu là người dân Đà Nẵng mà những người có dịp đến Đà Nẵng. Còn với đông đảo người dân trong cả nước thì sao, thưa ông?

TS Trần Đức Anh Sơn: Trong một bài trả lời phỏng vấn, tôi có nói tôi nhận được rất nhiều thư của độc giả đề nghị nên in những bản đồ này thành một tập sách để phát hành cho mọi người cùng biết. Và sáng 3/1, chúng tôi nhận được email của NXB Chính trị quốc gia cho biết họ muốn bỏ kinh phí để làm việc đó. Họ khẳng định cuốn sách đó sẽ được in bằng kinh phí Nhà nước.

Tuần sau chúng tôi sẽ bắt đầu viết đề cương cho tập sách dự định lấy tên là "Sưu tập bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa", trong đó có một phần là bản đồ của Việt Nam xuất bản, một phần là bản đồ của phương Tây xuất bản nêu rõ Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, và một phần là bản đồ do Trung Quốc xuất bản không có Hoàng Sa và Trường Sa trong lãnh thổ của họ. Nếu mọi việc ổn thỏa thì tập sách này có thể được phát hành trong năm tới.

Sau đó các bản đồ gốc sẽ được xử lý như thế nào?

TS Trần Đức Anh Sơn: Trước mắt chúng tôi tạm thời gửi trong kho của Bảo tàng Đà Nẵng. Sau khi UBND huyện đảo Hoàng Sa xây xong trụ sở thì sẽ đưa số bản đồ này vào phòng truyền thống để trưng bày. Có 2 phương án được đưa ra: lấy phường Mân Thái và Thọ Quang (thuộc quận Sơn Trà) hoặc lấy phường Hòa Quý (thuộc quận Ngũ Hành Sơn) nhập vào huyện Hoàng Sa và sẽ xây dựng trụ sở UBND huyện Hoàng Sa ở đó. Hiện UBND TP Đà Nẵng đang tính 2 phương án này và sẽ trình HĐND TP Đà Nẵng ra Nghị quyết và sau đó trình Quốc hội để quyết định.

Với những đóng góp lớn của những người như anh Trần Thắng, Đà Nẵng sẽ có sự tôn vinh như thế nào, thưa ông?

TS Trần Đức Anh Sơn: Hiện Trần Thắng chưa về Việt Nam. Chúng tôi đã bàn với ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, khi Thắng về sẽ đề xuất UBND TP Đà Nẵng tặng bằng khen hoặc có sự tôn vinh nào đó xứng đáng.

Lúc đầu Thắng định về Việt Nam trong tháng 1 này nếu việc tổ chức triển lãm như tôi nói ở trên diễn ra đúng dự định, nhưng sau đó Thắng vướng mấy cái học bổng du học nên đến tháng 5 anh mới về Việt Nam được. Khi Thắng về, chắc chắn TP Đà Nẵng sẽ tôn vinh một cách xứng đáng đối với những đóng góp của anh cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Xin cám ơn ông!

HẢI CHÂU (thực hiện)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Thoi-su/Vi-sao-Da-Nang-duoc-tang-ban-do-chu-quyen-Hoang-Sa-Truong-Sa/50136.info