Vì sao CP ngừng cung cấp tôm giống bố mẹ bất thường?

Hàng loạt các doanh nghiệp sản xuất tôm giống thương phẩm phản ánh Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (CP) dù đã ký hợp đồng nghi nhớ nhưng đột nhiên ngừng cung cấp tôm giống, khiến nhiều doanh nghiệp bị động trong kế hoạch sản xuất.

Không giữ “chữ tín”

Ông T. H. Đ, một trong những doanh nghiệp sản xuất xuất tôm giống lớn nhất tại Bình Thuận bức xúc cho biết, “Chúng tôi luôn xác định chữ tín lên hàng đầu trong kinh doanh nên khi đã nhận lời với đối tác, chỉ cần một từ “ok” là sẽ thực hiện. Vậy mà, CP khi đã thỏa thuận với chúng tôi qua email nhưng sau đó lại đơn phương chấm dứt lời hứa, không giao tôm bố mẹ làm ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất của công ty chúng tôi”, ông Đ nói. Theo ông Đ, đơn vị của ông là một trong những doanh nghiệp nhập khẩu tôm giống bố mẹ lớn nhất của CP trong năm 2014 và 2015 nhưng từ đầu 2016 CP đã ngừng cung cấp dù trước đó đã có thỏa thuận với nhau qua email như mọi khi.

Nhiều doanh nghiệp bị động do CP ngừng cung cấp tôm bố mẹ (ảnh chụp tại Bình Thuận). Ảnh: Thanh Xuân

Cùng chung quan điểm của ông Đ, ông L. X. B là chủ doanh nghiệp sản xuất tôm giống ở Tuy Phong (Bình Thuận) cho biết, do CP ngừng cung cấp tôm bố mẹ nên hiện tại chúng tôi đã phải chuyến sang đối tác khác là nhà cung cấp của Mỹ. “Trên thị trường hiện nay, tôm bố mẹ chỉ có 3 – 4 tập đoàn lớn có uy tín được các doanh nghiệp tin dùng. Nếu một số đơn vị này ngừng cung cấp hoặc tất cả ngừng cung cấp tôm bố mẹ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất tôm thương phẩm và ảnh hưởng tới cả người nuôi tôm”, ông B nói.

Khác với doanh nghiệp của ông Đ và ông B, một số doanh nghiệp còn ký hợp động với CP nhưng cũng bị CP ngừng cung cấp tôm bố mẹ.

Ông Trương Hữu Thông – Giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận cho biết, ngày 20.4.2016, C.P và Công ty TNHH Thông Thuận ( công ty Thông Thuận) đã ký kết với nhau Biên Bản Ghi Nhớ, theo đó CP Việt Nam đồng ý bán cho Thông Thuận 1.700 cặp (3.400 con) tôm bố mẹ thẻ chân trắng trong khoảng thời gian từ tháng 5.2016 đến 15.11.2016 với điều kiện Thông Thuận phải mua 1.500 tấn thức ăn nuôi tôm thẻ chân trắng của CP Việt Nam trong năm 2016. Biên Bản Ghi Nhớ quy định rõ, lượng tôm bố mẹ mà CP Việt Nam cung cấp cho Thông Thuận sẽ tương ứng với lượng thức ăn nuôi tôm mà Thông Thuận mua của CP Việt Nam. Trường hợp Thông Thuận không mua đúng sản lượng thức ăn nuôi tôm đã cam kết thì CP Việt Nam có quyền xem xét lại việc cung cấp tôm bố mẹ.

CP lý giải đang thiếu nguồn tôm bố mẹ

Trả lời những thắc mắc của các doanh nghiệp, đại diện CP cho biết, thực hiện theo đúng Biên Bản Ghi Nhớ đã ký kết, tính đến tháng 6.2016, CP Việt Nam đã cung cấp cho Công ty Thông Thuận tổng cộng là 700 cặp (1.400 con) tôm bố mẹ (tương đương hơn 41% lượng tôm bố mẹ mà CP Việt Nam cam kết bán). Tuy nhiên, tổng lượng thức ăn nuôi tôm mà Thông Thuận mua của CP Việt Nam tính đến tháng 8.2016 là 13 tấn (chưa tới 1% lượng thức ăn nuôi tôm mà Thông Thuận cam kết mua). Như vậy, Thông Thuận đã vi phạm nghĩa vụ mua thức ăn nuôi tôm đã cam kết với CP Việt Nam.

Căn cứ vào Biên Bản Ghi Nhớ đã ký kết, việc CP Việt Nam tạm ngừng cung cấp tôm bố mẹ cho Thông Thuận là hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận của hai Bên và có đầy đủ cơ sở pháp lý.

“Chúng tôi vẫn đang nuôi rất nhiều tôm và có kế hoạch mua thức ăn của CP chứ không phải là không mua. Ngoài ra, việc mua tôm giống tại sao lại cứ bắt cam kết mua cả thức ăn cho tôm thịt là không hợp lý. Việc chấm dứt hợp đồng như CP đã gây ảnh hưởng lớn tới kế hoạch sản xuất của chúng tôi”, ông Trương Hữu Thông - Công ty Thông Thuận nói.

Liên quan tới nguồn cung tôm hiện nay, đại diện CP cũng cho biết, “Hiện nay nguồn tôm bố mẹ của CP Thái Lan tạm thời đang thiếu nên hiện tại chúng tôi chưa cung cấp cho thị trường trong lúc này được. Khi nguồn tôm ổn định phía chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục cung cấp cho các doanh nghiệp cần mua tôm bố mẹ tại Việt Nam”, đại diện CP Việt Nam cho biết.

Trao đổi với NTNN, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết, tháng 12.2015, Tổng cục Thủy sản đã làm việc với đại diện Công ty CP tại Thái Lan và đã biết được thông tin Công ty CP hạn chế xuất khẩu tôm thẻ chân trắng sang Việt Nam vì nhiều lý do, trong đó có lý do kế hoạch sản xuất tôm bố mẹ của CP từ năm 2016 bắt đầu giám; một số DN của VN không thực hiện đúng HĐ đã ký kết với CP. Khó khăn này đã được nêu trong báo cáo tại Hội nghị về quản lý giống tôm nước ngày 15.8. Để tháo gỡ khó khăn cho DN Việt Nam trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản tham mưu cho Bộ NNN PTNT làm việc với Công ty CP về vấn đền tôm bố mẹ.Mặt khác, nhận thấy khó khăn khi phụ thuôc vào nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu từ các nước, Bộ NNPTNT (Tổng cục Thủy sản) đã giao cho các Viện Nghiên cứu NTTS triển khai dự án để thúc đẩy nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ trong nước cung cấp cho nhu cầu sản xuất giống.

Theo tổng cục Thủy sản, để đáp ứng được nhu cầu 130 tỷ con tôm giống hàng năm cần 230 nghìn tôm bố mẹ (trong đó: 200.000 tôm thẻ chân trắng, 30.000 tôm sú). Tuy nhiên, đối với nguồn tôm bố mẹ hiện nay chúng ta đang phụ thuộc chủ yếu nguồn nhập khẩu từ các nước Mỹ, Singapo, Thái Lan, Mexico.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/vi-sao-cp-ngung-cung-cap-tom-giong-bo-me-bat-thuong-710014.html