Vì sao cổ phiếu Vinamilk bị 'ế' khi chào bán?

Hai tổ chức thuộc tập đoàn F&N (Singapore) chỉ đăng ký mua 5,4% cổ phần trong tổng số 9% cổ phần Vinamilk do SCIC bán ra. Như vậy, trong đợt chào bán rầm rộ này, chỉ duy nhất F&N tham gia đấu giá VNM với “nhu cầu” chỉ 60% lượng cổ phiếu chào bán, còn lại 40% thì... ế. Vì sao?

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa thông báo kết quả đăng ký tham gia chào bán cạnh tranh cổ phần của SCIC tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã VNM). Theo thông báo này, chỉ có 2 tổ chức là F&N BEV Manufacturing PTE.Ltd và F&N Dairy Investment PTE.Ltd đăng ký tham gia đấu giá vào thứ 2 tuần tới (12.12) với khối lượng 39.189.150 cổ phiếu/tổ chức.

Đáng nói, 2 tổ chức đến từ Singapore này đều là công ty con của F&N - Tập đoàn sản xuất đồ uống Singapore thuộc sở hữu của tỷ phú giàu nhất Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.

Nếu tham gia đấu giá thành công, tỷ lệ sở hữu của F&N tại Vinamilk sẽ tăng từ 11% lên 16,4%. Đồng thời, cái giá mà F&N phải bỏ ra để nâng tỷ lệ sở hữu thêm 5,4% cổ phần này vào khoảng gần 11.300 tỷ đồng, tương đương gần 500 triệu USD.

Vì sao SCIC đã có chiến dịch quảng cáo “rầm rộ” nhưng lại chỉ chào bán được 60% cổ phần muốn bán?

Nói là quảng cáo “rầm rộ” vì thực tế, sau đợt giới thiệu tại TP.HCM với sự tham dự của hơn 150 nhà đầu tư trong nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán (ngày 21.11), SCIC còn công bố rộng rãi thông tin bán đấu giá cổ phần Vinamilk ở thị trường nước ngoài.

Cụ thể, SCIC đã có buổi giới thiệu cổ phiếu VNM tại Singapore, Hồng Kông, London. Tại các thị trường này, theo chia sẻ của lãnh đạo SCIC thì đã có gần 100 nhà đầu tư tham gia, thảo luận về VNM và có gần 20 nhà đầu tư quan tâm hỏi thêm thông tin. Đặc biệt, tại một hội nghị sau đó ở Singapore, đã có khoảng 10 nhà đầu tư gặp trực tiếp VNM để nghiên cứu sâu hơn trước khi ra quyết định đầu tư.

Với những thành công bước đầu này, trao đổi với báo chí ngày 30.11, lãnh đạo SCIC bày tỏ tin tưởng rằng, đợt bán vốn sắp tới sẽ thành công.

Thế nhưng, đến hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá (16h ngày 9.12.2016), chỉ có duy nhất F&N đăng ký với số lượng 78.378.300 cổ phần (tương ứng 60% tổng số lượng cổ phần chào bán).

Liên quan đến kết quả có phần “thê thảm” này, giới đầu tư chứng khoán cho rằng do giá chào bán của SCIC cao hơn giá thị trường. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 9.12, cổ phiếu VNM nằm ở mức 135.800 đồng/CP, thấp hơn nhiều so với giá SCIC chào bán là 144.000 đồng/CP. Tuy nhiên, đây cũng là phiên tăng giá mạnh kể từ khi SCIC thông tin chính thức việc bán 9% vốn tại VNM vì có thời điểm cổ phiếu VNM chỉ còn 129.000 đồng/CP.

Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng, do SCIC còn “khống chế” tỉ lệ mua nên khó hấp dẫn nhà đầu tư. Một chuyên viên của Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, quy định số lượng cổ phần mỗi nhà đầu tư cá nhân, pháp nhân đăng ký mua tối thiểu là 20.000 cổ phần và tối đa là 39.189.150 cổ phần (2,7% vốn điều lệ) khiến nhà đầu tư nước ngoài lưỡng lự, còn nhà đầu tư trong nước cũng ít khả năng tham gia và nếu có nhu cầu thì họ sẽ mua trực tiếp trên sàn thay vì tham gia đấu giá.

Ngoài ra, quy định của SCIC về việc giá bán cổ phần không thấp hơn mức giá khởi điểm và mức giá sàn giao dịch tại ngày chuyển nhượng cổ phần cũng khiến nhà đầu tư “ngán” vì nếu muốn sở hữu cổ phiếu VNM thì cũng phải chi “tối thiểu”... 144.000 đồng/CP.

Được biết, phiên đấu giá chính thức sẽ diễn ra vào lúc 14h ngày 12.12 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/vi-sao-co-phieu-vinamilk-bi-e-khi-chao-ban-729585.html