Vì sao chọn làm đường bộ cao tốc Bắc-Nam thay vì đường sắt?

Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 1.372 km với thiết kế tốc độ 100 - 120 km/h, tổng mức đầu tư 229.829 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP. HCM với tổng mức đầu tư 229.829 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm khoảng 40,7%, còn lại là nhà đầu tư huy động.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Hà Nội - TP.HCM được thiết kế tốc độ 100-120 km/h; các đoạn qua khu vực có điều kiện địa hình khó khăn sẽ đạt tốc độ thiết kế 60-80 km/h.

Với chiều dài 1.372km, đề án phân chia thành 20 dự án thành phần, mỗi dự án được khai thác độc lập, phù hợp với khả năng huy động theo hình thức PPP (hợp tác công tư), mà cụ thể ở đây là BOT, có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước, thời gian thu phí nhỏ hơn 25 năm.

Trao đổi với báo chí vì sao Bộ Giao thông vận tải lại đề xuất ưu tiên đầu tư dự án này mà không phải là đường sắt tốc độ cao, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết: Với đặc điểm địa hình Việt Nam dài và hẹp, việc ưu tiên đầu tư đường sắt và đường bộ cao tốc hoàn toàn phù hợp, nhưng đầu tư cho đường sắt suất đầu tư cao, đòi hỏi phải đồng bộ toàn tuyến mới đem lại hiệu quả, còn đường bộ cao tốc đầu tư theo từng đoạn tuyến, khai thác được ngay, đem lại hiệu quả sớm.

Theo ông Nguyễn Nhật, từ các nghiên cứu về đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội - TP.HCM cho thấy, kinh phí đầu tư cho tuyến đường sắt này khoảng 55 tỷ USD, cao gấp khoảng 4 lần tuyến đường bộ cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh.

"Trong bối cảnh nguồn lực của chúng ta hiện nay, sẽ rất khó có thể huy động được nguồn lực để đầu tư. Hơn nữa, việc xây dựng và khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - TP.HCM sẽ phải thực hiện trong thời gian dài khoảng 10 - 15 năm, công nghệ trong nước chưa làm chủ được, phải dựa vào nước ngoài, trong khi đó việc xây dựng đường bộ cao tốc chúng ta có thể dựa vào nội lực trong nước", ông Nhật nói.

Tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam dự kiến: Phê duyệt chủ trương/đề xuất đầu tư các dự án thành phần: Tháng 6-7/2017, Phê duyệt dự án đầu tư: Hoàn thành từ tháng 12/2017-3/2018; Phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu: Hoàn thành từ tháng 6/2018-9/2018; Lựa chọn nhà đầu tư: Hoàn thành trước tháng 12/2018; Khởi công các đoạn tuyến: Chậm nhất vào tháng 5/2019; Hoàn thành các đoạn tuyến: Chậm nhất tháng 12/2022.

Theo BizLive

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/vi-sao-chon-lam-duong-bo-cao-toc-bac-nam-thay-vi-duong-sat-d33144.html