Vì sao Chính phủ đề xuất đổi tên Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thành 'Luật Quản lý, sử dụng tài sản công'?

Chính phủ đã đề xuất đổi tên Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 thành "Luật Quản lý, sử dụng tài sản công" để phù hợp với Điều 53 Hiến pháp năm 2013, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Theo Tờ trình của Chính phủ, trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân quy định tại Hiến pháp năm 1992, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định hình thức sở hữu nhà nước về tài sản. Đây là cơ sở để Nhà nước ban hành và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Nếu như giai đoạn trước năm 1998, việc quản lý tài sản nhà nước được điều chỉnh chung trong pháp luật về quản lý tài chính - ngân sách, Nhà nước ban hành một số văn bản liên quan đến tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản, chế độ sử dụng xe ô tô công, quản lý nhà, đất trong quá trình cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh,... thì từ năm 1998 (năm Chính phủ ban hành Nghị định số 14/1998/NĐ-CP về quản lý tài sản nhà nước) đến nay, hệ thống pháp luật về tài sản nhà nước đã từng bước được hoàn thiện.
Sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được Quốc hội thông qua ngày 03/ 6/ 2008, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương có liên quan đã ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện, tạo lập khuôn khổ pháp lý cho công tác quản lý tài sản nhà nước.

Rất có thể

Năm 2013, Quốc hội thông qua Hiến pháp (sửa đổi). Tại Điều 53 Hiến pháp quy định: "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư , quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý".

Đây là lần đầu tiên chế định về "tài sản công" được hiến định. Tiếp đó, tại Điều 197 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã cụ chế hóa quy định về tài sản công theo quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013. Phạm vi và nội hàm của khái niệm về tài sản công tại các văn bản này tương đồng và thay thế cho khái niệm tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005.

Triển khai thi hành Hiến pháp, thời gian vừa qua, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhiều luật liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, quyền sở hữu tài sản, ngân sách nhà nước, kiểm toán nhà nước, đầu tư công, đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp , đất đai.. Các luật, bộ luật này có tác động trực tiếp tới việc quản lý, sử dụng tài sản công theo Hiến pháp năm 2013.

Từ các yêu cầu trên, để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản; đồng thời, cụ thể hóa phạm vi tài sản công theo Điều 53 Hiến pháp, quy định chế độ quản lý, sử dụng và xác định vai trò của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đối với tài sản công, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, việc ban hành Luật mới để thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành là cần thiết.

Về tên gọi của dự án Luật, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, tên của dự án Luật là “Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)”. Tuy nhiên, như đã báo cáo ở phần trên, Hiến pháp năm 2013 đã quy định đất đai, tài nguyên thiên nhiên và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý (Điều 53).

Khái niệm về tài sản công tại Hiến pháp năm 2013 tương đồng với khái niệm “tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước” (tài sản nhà nước) quy định tại Điều 200 Bộ luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, tại Bộ luật Dân sự năm 2015 không còn quy định về hình thức sở hữu nhà nước. Đồng thời, các luật mới được ban hành để triển khai Hiến pháp năm 2013 đều sử dụng khái niệm về tài sản công. Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội cho đổi tên của dự án Luật là “Luật Quản lý, sử dụng tài sản công”.

Theo Chính phủ, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị đều thống nhất với phương án này.

Hữu Tuấn

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/vi-sao-chinh-phu-de-xuat-doi-ten-luat-quan-ly-su-dung-tai-san-nha-nuoc-thanh-luat-quan-ly-su-dung-tai-san-cong-d53855.html