Vì sao cảnh sát hành hung phóng viên?

Thật đúng là chuyện chả ra gì.

Phóng viên bị người mặc áo đỏ xưng là cảnh sát hình sự chỉ tay vào mặt và chửi bới.

Hình ảnh anh cảnh sát hình sự tung cước vào phóng viên báo Tuổi Trẻ đang gây ảnh hưởng tới uy tín và danh dự của lực lượng CSHS Công an Hà Nội – một lực lượng vốn được vinh danh là “quả đấm thép” trong đấu tranh chống các loại tội phạm hình sự.

Công an sai thì đúng là sai rồi. Và chắc chắn lãnh đạo CA Hà Nội và Công an huyện Đông Anh sẽ xử lý nghiêm khắc những cán bộ công an có hành vi sai trái này.

Tuy nhiên, hình như không ai tìm hiểu nguyên nhân, tại sao lại có sự việc đáng tiếc trên? Nguồn cơn là do đâu? Cái gì đã gây ức chế cho cán bộ công an đến như vậy? Một khi cán bộ công an đã phải nổi đóa lên như vậy, hẳn phải là từ hành động nào, lời nói nào… ghê gớm lắm.

Chuyện đó hãy để các cơ quan điều tra kết luận. Nếu các đơn vị công an còn có lối làm việc thiếu chuyên nghiệp, tùy tiện và không có phương án cụ thể cho từng trường hợp thì sẽ còn có chuyện “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”.

Trong vụ việc trên, nếu như CSHS Công an huyện Đông Anh có khoảng trăm mét dây nilon, quây hiện trường lại, và yêu cầu tất cả mọi người phải đứng ngoài hàng dây… thì thế là xong. Ai bước qua dây, có nghĩa là đã xâm phạm hiện trường, cản trở việc khám nghiệm, điều tra của công an, và khi đó, tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý.

Phóng viên bị cảnh sát áo đen đấm thẳng vào mặt. Phía sau là chỉ huy đội CSHS Đông Anh (mặc áo đỏ) đang chỉ tay, hò hét.

Một nguyên nhân nữa là khi xem những bức ảnh chụp cảnh xô sát thì toàn thấy người mặc thường phục. Xung quanh không thấy có bóng cảnh sát. Mà với phóng viên thì có khi chẳng để ý, thậm chí tôn trọng ý kiến của những cảnh sát mặc thường phục. Mà khi đã không có thái độ tôn trọng đúng mức, thì phóng viên cứ xông vào, rồi lại có những người hiếu kỳ dừng xe lại để xem, việc bảo vệ hiện trường gặp khó khăn, cảnh sát (mặc thường phục ) nói mãi không nghe… thế là nổi cơn tam bành.

Cũng phải nói thêm rằng gần đây, tình trạng phóng viên thiếu tôn trọng người khác không phải không có. Nào là đến làm việc với người ta, vừa mở miệng ra là rút phắt máy ghi âm đặt lên bàn… Rồi chả hỏi han, xin phép ai cả, cứ lấy máy ảnh bấm choanh choách…

Thử hỏi có phóng viên Việt Nam nào ra nước ngoài – đặc biệt là các nước châu Âu - dám chụp ảnh công khai cảnh sát đang đi tuần mà không xin phép hay không? Có mà "cho kẹo" cũng chả dám, bị thu máy, và có khi no đòn ngay.

Cũng gần đây, lại có không ít vụ người dân có gì không bằng lòng với công an là rút điện thoại quay phim rồi đưa lên mạng. Quả thực, xã hội chúng ta đang quá dân chủ, và dân chủ đến mức sắp “vô chính phủ” mất rồi.

Muốn ngăn chặn những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra thì về phía công an, rất cần phải có cách làm việc chuyên nghiệp và phải có “cái đầu lạnh”. Ai bước vào nghề công an, cũng đều biết câu là phải “có trái tim nóng và cái đầu lạnh”.

Còn đối với anh em phóng viên, cũng cần phải tôn trọng, thông cảm với những người đang làm nhiệm vụ. Đừng vì một bức ảnh, một câu phỏng vấn mà không đếm xỉa đến những việc người khác đang làm.

Có câu chuyện nhỏ, nhưng lại thể hiện tính nguyên tắc và sự tôn trọng người khác của người Nhật, tôi xin kể cho bạn đọc.

Cách đây ít ngày, tôi có được dự một cuộc hội thảo về phát triển du lịch do Tổng cục Du lịch Việt Nam, Ngân hàng BIDV và tỉnh Fukushima tổ chức tại Nhật.

Khi vào cuộc hội thảo, Ban Tổ chức đã nhã nhặn thông báo rằng: “Mọi hình ảnh trong cuộc hội thảo này sẽ được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu quý vị nào không muốn báo chí sử dụng hình ảnh của mình, xin cho Ban Tổ chức được biết”.

Dân chủ là sòng phẳng, rõ ràng thế đấy!

Nguồn PetroTimes: http://petrotimes.vn/vi-sao-canh-sat-hanh-hung-phong-vien-485016.html