Vì sao các trường Đại học vẫn sợ tự chủ?

Có một thực tế là trước đây, để phát triển giáo dục đại học (ĐH), người ta nói nhiều đến tự chủ. Thậm chí, rất nhiều trường “đòi” được tự chủ trong các vấn đề như tài chính, thi và tuyển sinh… Nhưng đến khi Luật Giáo dục ĐH được thông qua, quy định về tự chủ đã có thì lại ít trường muốn chủ động… tự chủ. Vì sao lại phát sinh mâu thuẫn này?

Tại hội thảo về tự chủ ĐH do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức, kết quả báo cáo từ GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội cho chúng ta con số “giật mình” về chuyện tự chủ ĐH và ĐH xin… tự chủ. Trong hơn 20 năm qua, tiến trình này rất chậm chạp, ngoài 2 ĐH quốc gia, cho đến nay cả nước mới có 14 trường (trong tổng số 446 trường ĐH, CĐ) thí điểm tự chủ.

Vấn đề là ở chỗ 14 trường thí điểm tự chủ này, không phải trường nào cũng… tự nguyện để được tự chủ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Trong số 14 trường ĐH thí điểm tự chủ, có nhiều trường mà chúng tôi (và cá nhân tôi) đã phải gặp và thuyết phục nhiều lần”.

Nhiều trường như ĐH Bách khoa đã tự chủ về thi, tuyển sinh và tài chính.. Ảnh tư liệu

Điều này có vẻ mâu thuẫn, khi Luật Giáo dục ĐH chưa được thông qua, các trường nói rất nhiều đến tự chủ, mong muốn được tăng quyền “tự quyết” ở nhiều vấn đề cốt lõi trong giáo dục ĐH, ít phụ thuộc vào quản lý của Bộ, ban, ngành chủ quản. Nhưng khi có Luật Giáo dục ĐH rồi, các trường lại vẫn … sợ tự chủ, chưa dám tự chủ.

Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cũng thừa nhận lý do các trường “sợ” tự chủ là do các công tác quản lý chưa đổi mới đồng bộ, chưa theo kịp chủ trương. “Thực hiện Nghị quyết 14, Bộ triển khai thí điểm tự chủ 4 trường nhưng khi đó chúng ta chỉ cho phép tự chủ chi (không tự chủ thu), còn tất cả các vấn đề khác thực hiện như những trường không tự chủ. Cho nên trong 10 năm trời những trường này hết sức khó khăn khi mà họ không có nguồn gì thu thêm và không có các quyền gì khác”, ông Ga nói.

Trên thực tế, quan điểm về tự chủ của các trường cơ bản vẫn là tự chủ tài chính, tự chủ tuyển sinh, trong khi tự chủ ĐH bao gồm nhiều vấn đề hơn như vậy.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cách hiểu tự chủ ĐH hiện nay đang bị lệch quá nhiều sang tài chính. Nhiều trường quan niệm tự chủ ĐH gắn liền với việc Nhà nước không cấp tiền đầu tư nữa. Tuy nhiên, xét về xu thế thế giới và thực trạng hiện nay, chúng ta cần đổi mới cân bằng và toàn diện.

Nhưng tự chủ ĐH không đơn thuần chỉ là tài chính mà còn có hai yếu tố cơ bản khác là tự chủ về chuyên môn, học thuật; tự chủ về bộ máy tổ chức. Có thể phần chi thường xuyên giảm dần để tăng tính tự chủ cho các trường nhưng Nhà nước không cắt ngay. “Vì thế, các trường hãy bỏ trong đầu nỗi sợ nếu tự chủ sẽ không còn vốn ngân sách nữa,” Phó Thủ tướng nói.

Thực tế, hiện đã có 14 trường thực hiện tự chủ nhưng Nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư. Trong đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang chuẩn bị được cho vay vốn 50 triệu USD, ĐH Bách khoa Hà Nội đang trình tự chủ cũng được khoản vốn tương tự, ĐH Kinh tế quốc dân cũng được tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí.

Điểm vướng nữa là khoảng cách giữa quy định và thực tiễn triển khai hoạt động tự chủ. Chẳng hạn dù được tự chủ nhưng ĐH vẫn bị ràng buộc bởi các quy định đã lạc hậu về chế độ học phí, lệ phí, nhiều định mức kinh tế, kỹ thuật, tiêu chuẩn ngành…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng nhìn nhận một số thiếu sót trong nội dung Luật Giáo dục ĐH. Theo ông Ga, trong quá trình xây dựng dự Luật Giáo dục ĐH vấn đề tự chủ ĐH được nêu ra với mong muốn xem tự chủ là một thuộc tính của trường ĐH, nghĩa là không cần ai cho phép ĐH đã mặc nhiên tự chủ. Tuy nhiên, sau nhiều hội thảo, Luật Giáo dục ĐH đã ra đời với những quy định tự chủ theo năng lực của từng trường, nghĩa là có năng lực tới đâu thì được giao tự chủ tới đó, thành thử tự chủ nhưng có… giới hạn.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện Chính phủ đang giao cho Bộ GD&ĐT chủ trì soạn thảo một nghị định quy định về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực GD&ĐT. Dự thảo nghị định được soạn theo hướng với các trường ĐH, về cơ bản nhà nước yêu cầu tự chủ. Phải thay đổi mô hình quản trị. Cơ quan chủ quản giảm can thiệp hành chính bằng cách cơ cấu lại hệ thống quản trị nhà trường, bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường lâm thời trong thời hạn 6 tháng đến một năm. Trong thời hạn đó, hội đồng trường tự bầu lại thành viên và chủ tịch hội đồng trường. Cơ quan chủ quản chỉ phê duyệt thành viên và chủ tịch hội đồng trường. Còn hội đồng trường toàn quyền lựa chọn hiệu trưởng, hiệu phó và các cơ quan lãnh đạo trong trường.

Phải từng bước tiến tới xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản để đảm bảo cho hội đồng trường hoạt động hiệu quả. Khi trao cơ chế tự chủ cho trường ĐH hoàn toàn không đồng nhất với cơ chế phân quyền trách nhiệm giám sát trường ĐH từ Trung ương cho các tỉnh, TP và địa phương.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giao-duc/vi-sao-cac-truong-dai-hoc-van-so-tu-chu-119674