Vì sao cá voi lưng gù hay tấn công cá voi sát thủ?

Nếu thường xuyên theo dõi, các bạn sẽ không bất ngờ khi thấy cá voi lưng gù rất hay tấn công cá voi sát thủ. Nhưng tại sao lại vậy? Chúng có mối hận truyền kiếp nào chăng?

Vì sao cá voi lưng gù hay tấn công cá voi sát thủ?

Cá voi sát thủ (Killer Whale) có thể coi là 1 trong số ít những sinh vật thống trị đại dương, chúng đáng sợ đến mức, trong "thực đơn" của mình có cả món cá mập! Không những sở hữu cơ thể to lớn, khổng lồ, cá voi sát thủ còn là loài động vật vô cùng thông minh khi đi săn, đặc biệt là những lúc làm việc theo nhóm.

Cá mập cũng không phải đối thủ của cá voi sát thủ

Là động vật ăn thịt hung dữ nhất đại dương nên đương nhiên chúng có thể mặc sức săn mồi bởi hầu như không có đối thủ nào xứng tầm ngoài tự nhiên. Ngoài hải cẩu, sư tử biển, 1 số loài cá voi nhỏ thì đến cá mập trắng lớn (Great white shark) cũng nhiều khi trở thành miếng mồi của chúng.

Cá voi lưng gù thì lại khác, dù có thân hình to lớn, khối lượng có thể lên tới 40 tấn nhưng chúng khá hiền lành, điềm đạm. Thức ăn chủ yếu là động vật thân mềm và các loài cá nhỏ. Giống như loài gấu, cá voi lưng gù chỉ kiếm ăn vào mùa hè, đến mùa đông chúng nhịn ăn và sử dụng dần số mỡ đã dự trữ được.

Vậy tại sao cá voi lưng gù lại thường có xung đột với cá voi sát thủ?

Hai loài hầu như không liên quan, không có sự cạnh tranh thức ăn hay lãnh thổ lại thường xuyên có những xung đột, tấn công lẫn nhau?

Nếu hung hăng như cá voi sát thủ thì còn có thể hiểu, bởi chúng cũng thường săn các loại cá voi khác nhỏ hơn, nhưng cá voi lưng gù cũng có động thái tương tự là tại sao?

Cá voi lưng gù to lớn

Theo thống kê, từ năm 1951-2012, có tới 115 cuộc chạm trán giữa cá voi lưng gù và cá voi sát thủ được ghi nhận bởi 54 nhà quan sát khác nhau, các báo cáo chi tiết được công bố trên tạp chí Marine Mammal Science.

Nhưng điều đáng nói hơn, trong những lần đụng độ đó, có tới 57% là do lưng gù bắt đầu cuộc chiến. Đây là 1 điều khá lạ lùng đối với loài vật được coi là rất hiền lành này khi chúng lại chủ động tìm đến những cuộc chiến như vậy.

Và 2 con số sau sẽ lý giải phần nào thắc mắc của chúng ta! Có 87% trường hợp cá voi lưng gù xuất hiện khi đối thủ đang săn mồi và 89% tình huống cá voi lưng gù có mặt đúng lúc khi cá voi sát thủ đang tấn công các loài vật khác.

Dựa trên những con số trên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng lý do chính mà cá voi lưng gù hay chủ động tấn công cá voi sát thủ là bởi "Lòng vị tha". Chúng thực hiện những màn giải cứu không tưởng cho các loài vật khác dù cho không cùng loài.

Cuộc chiến giữa cá voi lưng gù và cá voi sát thủ

Những nạn nhân may mắn đó rất đa dạng, từ hải cẩu, sư tử biển, đến cá voi xám... Đặc biệt, vào năm 2009, từng có trường hợp vô cùng hy hữu được ghi nhân!

Khi đó, nhà sinh thái học có tên Robert Pitman đã vo tình ghi lại được hình ảnh 1 cuộc giải cứu kỳ lạ trong tự nhiên. Một con cá voi lưng gù đã cố gắng cứu chú hải cẩu nhỏ bé trước sự tấn công mãnh liệt của đàn cá voi sát thủ. Thậm chí nó còn chủ động bơi ngửa để con hải cẩu có thể ngồi trên cánh vây to lớn của mình

Cận cảnh chuyến hộ tống hải cẩu của cá voi lưng gù

Những hình ảnh này chỉ là 1 trong vô số những lần cá voi lưng gù sẵn sàng nhảy vào nguy hiểm khi đối đầu với những sát thủ của đại dương để nhận về không gì cả, cái nó muốn chỉ đơn giản là cứu thoát những sinh vật nhỏ bé khác dù chúng không cùng loài với mình.

Còn chúng ta, trên phương diện là con người, ta thấy gì từ loài sinh vật vị tha này?

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/vi-sao-ca-voi-lung-gu-hay-tan-cong-ca-voi-sat-thu-20161013115830584.htm