Vì sao Bob Dylan không xứng đáng với giải Nobel Văn học?

Bod Dylan là ca sĩ, nhạc sĩ tài năng. Không ai có thể phủ nhận điều ấy. Nhưng ông không phải là nhà văn đích thực.

13h ngày 13/10, Viện Hàn lâm Thụy Điển khiến giới chuyên môn và truyền thông ngỡ ngàng khi công bố chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn học 2016 chính là nhạc sĩ, ca sĩ Bob Dylan.

Theo tuyên bố của Viện Hàn lâm Thụy Điển, Bob Dylan được trao giải thưởng này "vì đã tạo nên những biểu đạt đầy chất thơ trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của nước Mỹ."

Tuy vậy, kết quả trên vấp phải vô số phản ứng ngược. New York Times thẳng thắn khẳng định ông không xứng đáng với giải thưởng cao quý này, vì một sự thật rõ ràng: ông là ca sĩ, nhạc sĩ kiêm họa sĩ, nhưng những gì ông viết ra không phải là tác phẩm văn học.

Bob Dylan không phải nhà văn đích thực

Bob Dylan xứng đáng với tất cả những giải Grammy từng nhận, trong đó có giải Thành tựu trọn đời năm 1991. Ông cũng không gây ra tranh cãi nào khi được ghi danh vào bức tường danh vọng Rock & Roll, bên cạnh nhiều cái tên khác như Supremes, The Beatles và Beach Boys.

Những sáng tác của ông luôn là sự hài hòa đẹp đẽ của chất thơ và nhạc, với nhiều ca khúc bất hủ như Blowin’ in the Wind, Like a Rolling Stone, hay Knockin’ on Heaven’s Door. Nói không ngoa, ông chính là một trong những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến văn hóa đương đại Mỹ.

Ca sĩ, nhạc sĩ Bob Dylan gây tranh cãi khi nhận giải Nobel Văn học. Ảnh: Consequence of Sound.

Nhưng với việc trao giải thưởng văn học danh giá cho một người không phải là nhà văn, Viện Hàn lâm Thụy Điển, hay Ủy ban giải Nobel đã khiến nhiều người thất vọng.

Đúng vậy, Dylan là người viết nhạc đại tài. Đúng là ông đã từng viết thơ và tự truyện. Và cũng đúng là rất dễ gán lời ca của ông thành một bài thơ đẹp. Nhưng những tác phẩm viết của ông không tách rời âm nhạc của ông.

Với việc trao giải thưởng văn học lớn nhất hành tinh cho một nhạc sĩ, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã bỏ mất cơ hội tôn vinh một nhà văn khác, xứng đáng hơn, và có nhiều đóng góp hơn cho nền văn học thế giới.

Văn học cần được tôn vinh xứng đáng

Trong thời điểm văn hóa đọc đang dần bị xói mòn, các giải thưởng văn học trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Một giải thưởng lớn đồng nghĩa với doanh số tăng vọt, và một nhà văn tài năng được biết đến nhiều hơn.

Hơn thế nữa, việc trao giải Nobel cho một tiểu thuyết gia, hay nhà thơ cũng chính là cách thể hiện rằng tác phẩm, hay bài thơ ấy vẫn được rất nhiều người quan tâm. Đó là minh chứng cho thấy các tác phẩm này chính là thành tựu rất đáng tự hào trong nỗ lực của một người cầm bút.

Bob Dylan là nhà viết nhạc tài hoa, nhưng theo nhiều người ông không phải là nhà văn đích thực. Ảnh: New York Times.

Âm nhạc đại chúng cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhưng chúng đã có đủ sự công nhận cần thiết. Và không ai có thể trông đợi rằng những danh hiệu cao quý nhất trong âm nhạc lại thuộc về một nhà văn. Điều này cũng vô lý như việc Murakami hay Milan Kundera được ghi tên mình vào bức tường danh vọng Rock & Roll vậy.

Ủy ban giải Nobel có thể không có ý xem nhẹ tiểu thuyết hay thơ văn với sự lựa chọn này. Bằng việc tôn vinh một biểu tượng âm nhạc với giải Nobel Văn học, các thành viên trong hội đồng tuyển chọn có thể mong muốn đưa giá trị của văn hóa mới đến với giải thưởng hàn lâm, để khiến nó trở nên gần gũi hơn với giới trẻ.

Nhưng vẫn có rất nhiều cách để thực hiện điều này, trong khi vẫn tôn vinh một người viết xứng đáng khác. Họ có thể chọn một tác giả đã có những đổi mới đáng kể trong các hình thức văn học, như Jennifer Egan, Teju Cole hay Anne Carson.

Họ cũng có thể chọn một nhà văn đến từ các nước đang phát triển, hay một người viết khác tạo dựng danh tiếng nhờ tri thức trực tuyến, như Warsan Shire, người đầu tiên được tôn vinh trong giải thưởng Nhà thơ trẻ London năm 2014.

Thay vào đó, Ủy ban lại trao giải thưởng này cho một người nổi tiếng trong các lĩnh vực khác, vốn đã có đạt rất nhiều thành tựu. Bob Dylan không cần một giải Nobel Văn học, nhưng nền văn học cần một giải Nobel đúng nghĩa. Và năm nay, điều đó đã không diễn ra.

Hải Yến

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vi-sao-bob-dylan-khong-xung-dang-voi-giai-nobel-van-hoc-post689669.html