Vì sao bạn không nên tin vào các bài so sánh tốc độ smartphone?

Các bài so sánh tốc độ smartphone thường dùng các thước đo không hữu ích, không phản ánh thực tế sử dụng của người dùng. Do đó, chúng không giúp bạn tìm được câu trả lời cho câu hỏi rằng, smartphone nào nhanh hơn, tốc độ cao hơn.

Cứ mỗi khi có một mẫu smartphone mới ra mắt, chúng ta thường được thấy các video so sánh tốc độ để xem nó sẽ nhanh hay chậm hơn so với đối thủ. Những video này thu hút rất nhiều người xem, và đôi khi được các fan của nhà sản xuất dùng để đi "khoe" chiến tích với fan hãng khác, rằng smartphone của họ là tốt hơn. Những cuộc tranh luận này chắc hẳn vẫn sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài nữa, thế nhưng, có nhiều lý do để người dùng không nên đưa các video so sánh tốc độ mà chúng ta nói đến ở trên vào đó.

Có thể thấy rằng, những tranh cãi mới nhất về tốc độ smartphone đều xoay quanh chiếc Galaxy S8 mà Samsung vừa bán ra. Video mà chúng ta xem bên dưới chỉ là một trong số rất nhiều video so sánh Galaxy S8 với iPhone của Apple. 2 máy được thiết lập để mở cùng một ứng dụng nhằm xác định xem máy nào mở nhanh hơn. Bạn có thể xem đó như một thông tin để tham khảo, tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng model nào mở ứng dụng nhanh hơn không đồng nghĩa với việc nó sẽ hoạt động tốt hơn trong quá trình sử dụng hàng ngày.

Nói vậy là bởi, thực tế chúng ta không dùng máy như cách mà bài test đưa ra. Không ai mở 20 ứng dụng ra và rồi không dùng đến bất kỳ số nào trong đó. Nói cách khác, đây là một thước đo không hề hữu ích. Người dùng chỉ thực sự quan tâm tới các yếu tố như, camera máy nào mở nhanh hơn, hay máy nào có tốc độ chuyển đổi qua lại giữa các ứng dụng tốt hơn… mà thôi.

Một lý do khác để cho thấy, thước đo như trong bài test không hữu dụng đó là, ngay cả với cùng một ứng dụng, nhưng khi chạy trên 2 nền tảng khác nhau (Android và iOS), chúng có thể cũng sẽ có cách hoạt động khác nhau. Ví dụ như bài test trên có thử nghiệm qua Facebook và Snapchat, 2 ứng dụng nổi tiếng là chạy khá chậm trên Android. Hiệu năng kém cỏi của Facebook và Snapchat ở đây không phải do lỗi mà Samsung hay Google gây ra, mà do lỗi từ 2 nhà cung cấp dịch vụ này.

Dù vậy, những bài thử nghiệm như trên cũng mang lại những giá trị nhất định. Nó cho ta biết bộ nhớ trên thiết bị được quản lý như thế nào. Cách đây ít năm, một thử nghiệm tương tự trên Galaxy S6 của Samsung và các máy Android khác đã cho chúng ta thấy rằng S6 quản lý bộ nhớ rất kém - khi mà các ứng dụng chạy ngầm tắt quá nhanh. Phát hiện này đã khiến Samsung gặp phải các chỉ trích và phải tung ra bản cập nhật sửa lỗi sau đó.

Vậy video trên cho chúng ta biết được những gì? Chiếc Galaxy S8 chạy Android, nền tảng cho phép các ứng dụng chạy ngầm với ít hạn chế hơn so với iOS. Khi cần tới bộ nhớ, các ứng dụng nặng sẽ bị đóng lại. Còn trên nền tảng của Apple, một ứng dụng ngầm trên iOS sẽ bị "treo" và bị hạn chế chức năng làm mới (refresh) nội dung ngầm, tuy nhiên, nó giúp bạn mở lại ứng dụng nhanh hơn trên Android.

Nói tóm lại, bạn sẽ không dễ dàng tìm được câu trả lời cho thắc mắc, rằng smartphone nào nhanh hơn, qua các video trên YouTube. Máy nhanh hay chậm tùy thuộc vào cách bạn dùng nó và tùy vào những điều bạn kỳ vọng một chiếc smartphone có thể làm.

AQ (Theo Extremetech)

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/the-gioi-so/di-dong/vi-sao-ban-khong-nen-tin-vao-cac-bai-so-sanh-toc-do-smartphone-152297.ict