Vì sao bà Hillary Clinton thành Tổng thống Mỹ là điều khiến Putin lo ngại?

Trái ngược với Trump, bà Clinton từng nhiều lần tuyên bố sẽ trở thành đối trọng cứng rắn hơn với ông Putin so với Tổng thống Obama. Bà cũng cho rằng nước Mỹ cần phải tìm cách để “kìm hãm, thâu tóm và ngăn chặn” ảnh hưởng của Nga lên châu Âu và xa hơn nữa.

Việc bà Hillary Clinton trở thành Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới sẽ đe dọa đến những tham vọng của Tổng thống Nga Putin (ảnh: RT)

Mặc dù Donald Trump và Vladimir Putin gần như chia sẻ nhiều quan điểm tương đồng trong một số vấn đề, thì có một điều mà họ tỏ ra không đồng thuận với nhau. Trong khi Trump cho rằng Hillary Clinton quá yếu đuối để trở thành Tổng thống Mỹ, thì ông Putin dường như lo ngại trước viễn cảnh nữ chính trị gia này sẽ trở thành người đứng đầu Nhà Trắng vào năm sau.

Đã có nhiều bằng chứng cho thấy Nga đang tích cực can thiệp vào chiến dịch tranh cử của bà Clinton. Khi tin tặc công bố những bức thư điện tử của Ủy ban bầu cử đảng Dân chủ chỉ vài giờ trước khi đại hội toàn quốc của đảng này diễn ra, các chuyên gia an ninh mạng đã sự nhúng tay của các cơ quan thuộc chính phủ Nga vào vụ tấn công mạng. Một vài tháng sau đó, hàng loạt cuộc trao đổi bí mật giữa bà Clinton và ông John Podesta - người phụ trách chiến dịch tranh cử của bà, cũng bị các tin tặc phơi bày trước công chúng.

Hiện tại, chính phủ Mỹ đã chính thức lên tiếng cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, và các cuộc tấn công mạng đều mang động cơ thay đổi hết quả bầu cử theo hướng bất lợi cho ứng cử viên đảng Dân chủ.

Dễ dàng nhận ra lý do vì sao ông Putin tỏ ra e ngại bà Clinton. Trong khi Trump cùng ê-kíp tranh cử cố gắng hướng dư luận vào tình hình sức khỏe không ổn định của đối thủ, ông Putin lại nhìn nhận cựu Ngoại trưởng Mỹ như một mối đe dọa tới những chiến lược của ông.

Đối với ông Putin, ngăn chặn con đường dẫn Clinton vào Nhà Trắng không chỉ là một sách lược tối quan trọng mà còn xuất phát từ góc độ cá nhân.

Quay lại năm 2011, lúc đó ông Putin phải đối mặt với các cuộc biểu tình lớn chưa từng thấy trong nước. Lý do là ông đã từng nắm giữ tối đa hai nhiệm kỳ tổng thống, rồi năm 2008 trở thành Thủ tướng, một động thái được cho là giúp ông vẫn có thể điều hành đất nước trong hậu trường mà không vi phạm hiến pháp nhà nước. Tuy vậy, nhà lãnh đạo nước Nga vẫn muốn kéo dài thêm nhiệm kỳ tổng thống thứ 3. Ba tháng sau đó, phe đối lập cáo buộc đảng Nước Nga thống nhất của ông Putin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội là nhờ gian lận.

Lúc đó, bà Hillary Clinton, khi đó đang nắm giữ chức vụ Ngoại trưởng Mỹ, đã công khai đứng về phía phe đối lập với ông Putin. “Những người Nga, giống như những nơi khác trên thế giới, xứng đáng được tự do, công bằng, minh bạch trong bầu cử,” bà Clinton nói.

Trước những lời lẽ của bà Clinton, ông Putin tỏ ra rất tức giận. Ông cáo buộc nhà ngoại giao của Mỹ đã gửi đi “một tín hiệu” cho phe đối lập.

Bên cạnh đó, những mục tiêu chiến lược của ông Putin cũng xung đột với những lợi ích của bà Clinton. Trong những năm gần đây, ông liên tục sử dụng phô diễn sức mạnh quân sự của Nga để thách thức sự hiện diện của Mỹ, NATO và Liên minh châu Âu. Bất chấp việc nền kinh tế Nga chỉ nhỉnh hơn Mexico, quốc gia Đông Âu đang dần trở thành một thế lực quân sự lớn trên toàn thế giới.

Theo các nhà phân tích phương Tây, Nga đang xây dựng một chiến dịch nhằm “hạ bệ mô hình dân chủ của phương Tây” can thiệp vào đường dây xuyên Đại Tây Dương, thao túng các quốc gia Đông Âu khác, đồng thời ủng hộ các đảng phái theo tư tưởng cực tả ở Lục địa già để chống lại Liên minh châu Âu. Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại của Nga cũng bao gồm tác động lên các cuộc bầu cử ở châu Âu và Mỹ.

Trái ngược với Trump, bà Clinton từng nhiều lần tuyên bố sẽ trở thành đối trọng cứng rắn hơn với ông Putin so với Tổng thống Obama. Bà cũng cho rằng nước Mỹ cần phải tìm cách để “kìm hãm, thâu tóm và ngăn chặn” ảnh hưởng của Nga lên châu Âu và xa hơn nữa.

Trong khi Clinton tỏ ra không hề khoan nhượng đối với nguyên thủ nước Nga thì các chính sách đối ngoại của Trump dường như thể hiện sự đồng thuận với Moskva. Trump cho biết ông có thể công nhận sự sát nhập của Crimea vào Nga, đình chỉ lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, đồng thời gắn chặt các chính sách của ông ở Syria với Putin và Tổng thống Syria Assad.

Trong nhiều cuộc bẩu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, các ứng cử viên của đảng này đã liên tục chỉ trích bà Clinton cùng Tổng thống Obama đã thất bại trong việc “thiết lập lại” mối quan hệ ngoại giao với Nga. Tuy nhiên Đại sứ Mỹ tại Nga Mike McFaul cho rằng, bà Clinton tỏ ra vô cùng hoài nghi về tính khả thi của các kế hoạch trên.

Năm 2014, khi Nga tiếp quản Crimea với lý do bảo vệ các tộc người thiểu số đang sinh sống trên hòn đảo này, bà Clinton nói rằng hành động này của Nga chẳng khác nào những lời biện minh của Hitler khi xâm chiếm Đông Âu. Ông Putin sau này đã mỉa mai những phát ngôn này của bà Clinton là “thiếu duyên dáng”.

Bên cạnh đó, bà Clinton dường như ngầm phản ứng lại với những chính sách dè dặt của chính quyền Obama đối với Nga. “Tôi muốn chúng ta cần phải hành động nhiều hơn nữa nhằm phản ứng lại với hành động sát nhập Crimea vào Nga cũng như sự bất ổn đang leo thang ở Ukraina,” cựu Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố. Thậm chí bà không ngần ngại công kích chính ông Putin. Năm ngoái, trong một phát biểu, bà thẳng thừng nói rằng: “Tôi giữ nguyên lập trường rằng chúng ta cần có phối hợp để thực sự khiến Nga phải trả giá, đặc biệt là ông Putin”.

Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, xung đột tại Syria đã dần giữ vị thế quan trọng trong các chính sách đối ngoại của Nga và Mỹ. Trong khi chính quyền ông Obama phản ứng có phần dè dặt với cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông, thể hiện qua việc từng nhiều lần gửi ngoại trưởng John Kerry tới đàm phán với Nga song không đạt được kết quả, thì bà Clinton lại quyết tâm áp đặt một vùng cấm bay ở Syria, như vậy sẽ thách thức không chỉ quân đội Syria mà còn cả Nga.

Mặc dù vậy bà cho biết vẫn sẽ thông báo trước tới phía Nga về những thay đổi này để tránh xảy ra xung đột giữa hai bên. “Tôi muốn họ ngồi vào bàn đàm phán”, nhưng những phát ngôn này của nữ chính trị gia chắc chắn sẽ khiến ông Putin cảm thấy khó chịu

Vài năm trước đây, ông Putin từng trầm ngâm nói về bà Clinton: “Tốt nhất là không tranh luận với phụ nữ”. Nhưng giờ đây, ông Putin có rất nhiều việc phải làm để tránh tranh luận với Tổng thống Clinton.

* Trên đây là bài phân tích của Frida Ghitis - một nhà báo bình luận vấn đề thế giới của tờ Miami Herald và tạp chí World Politics Review, được đăng tải trên CNN vào ngày 16/10 vừa qua. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Vân Hồng (theo CNN)

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/the-gioi/vi-sao-ba-hillary-clinton-thanh-tong-thong-my-la-dieu-khien-putin-lo-ngai-128235