Vì sao Anh cần bầu cử sớm?

Ngày 19-4, Quốc hội Anh bỏ phiếu để thông qua quyết định về việc có tổ chức bầu cử sớm vào tháng 6 hay không, trong bối cảnh Thủ tướng Theresa May tìm cách đạt những thành công mạnh mẽ chống lại phe đối lập trước bàn đàm phán về vấn đề Brexit (rời khỏi Liên minh Châu Âu-EU).

Thủ tướng Anh Theresa May đã khiến cả thế giới bất ngờ khi kêu gọi một cuộc bầu cử trước thời hạn vào ngày 8-6, nhấn mạnh, bà cần một ban lãnh đạo vững mạnh trước cuộc đàm phán quanh co với EU – vốn cũng dự kiến bắt đầu vào tháng 6 tới.

“Chúng ta cần một cuộc tổng tuyển cử và cần ngay bây giờ. Hiện chúng ta chỉ có cơ hội duy nhất để thực hiện điều đó... trước khi các cuộc đàm phán chi tiết bắt đầu”, bà May tuyên bố. Theo bà, sự chia rẽ tại Quốc hội sẽ tạo rủi ro cho khả năng đảm bảo một tiến trình Brexit thành công.

Tuyên bố kêu gọi bầu cử sớm của Thủ tướng Theresa May tràn ngập trên trang nhất các tờ báo
ở Anh ra ngày 19-4. Ảnh: AFP

Cần chính phủ mạnh mẽ trong “cơn bão” Brexit

Trả lời phỏng vấn trên chương trình Today của đài BBC hôm 19-4, Thủ tướng May cho biết, việc tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn vào ngày 8-6 thay vì đợi đến năm 2020 sẽ tránh được tình huống “chạy đua nước rút” đầy khó khăn cho nước Anh.

Theo bà, đó là lúc London sẽ vừa phải đối mặt với thời điểm then chốt trong các cuộc đàm phán với EU, vừa phải tổ chức cuộc bầu cử trong nước diễn ra cùng thời điểm. “Nếu bầu cử diễn ra vào năm 2020, chúng ta sẽ ở vào phần quan trọng nhất của các cuộc đàm phán, thời điểm kết thúc các cuộc đàm phán, cũng như bắt đầu bước vào giai đoạn chuẩn bị tổng tuyển cử”, Thủ tướng Anh nêu rõ.

Vì vậy, Thủ tướng Anh khẳng định, chính phủ của bà cần chiếm thế đa số tại Quốc hội để chống chọi phe đối lập ở trong nước và cả Brussels trong các cuộc đàm phán. “Tôi tin điều này sẽ tăng cường khả năng đàm phán của chúng ta”, bà May nói thêm, lập luận rằng, các đảng đối lập đang nhằm mục đích gây khó khăn cho tiến trình Brexit.

Bước đi khôn ngoan?

Bà May đã nhiều lần bác bỏ khả năng tổ chức bầu cử sớm, nhưng tại sao hiện nay lại “quay ngoắt” như vậy?

Giới phân tích cho rằng, đây là bước đi khôn ngoan của bà May. Bởi vì, một cuộc bầu cử sớm tại Anh giúp đàm phán Brexit rõ ràng hơn. Điều này cũng được cho là cần thiết cho “sự chắc chắn và ổn định” trước các cuộc đàm phán gay go với EU. Bối cảnh địa chính trị hiện nay tại Anh cho thấy, đảng đối lập Dân chủ Tự do đang hy vọng nổi lên như là “nơi trú ẩn” cho các cử tri gốc Châu Âu bị xáo trộn sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử hồi tháng 6-2016, nhằm vào chiến dịch chống lại một Brexit cứng (kết cục mà EU và Anh không đạt được thỏa thuận nào), và cả việc Anh ra khỏi thị trường chung Châu Âu.

Trong khi đó, các chuyên gia nói rằng, Công đảng đối lập chính đang ở vị thế yếu hơn trước cuộc bầu cử vào ngày 8-6, chia rẽ về chiếc ghế lãnh đạo cánh tả Jeremy Corbyn và cách phản ứng với Brexit. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, đảng Bảo thủ của Thủ tướng May - hiện đang nắm giữ 330 trong tổng số 650 ghế Quốc hội - sẽ vượt mặt Công đảng, hiện chỉ có 229 ghế. 3 cuộc thăm dò được công bố trước đó cũng cho thấy, đảng Bảo thủ sẽ dẫn khoảng 20 điểm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thứ nhất Scotland Nicola Sturgeon, người đang thúc giục cuộc trưng cầu dân ý độc lập khỏi Anh cho rằng, Thủ tướng May đang “mắc sai lầm chính trị rất lớn” và điều này sẽ tạo lợi thế cho đảng Quốc gia Scotland của ông. Scotland bỏ phiếu ủng hộ duy trì vị trí của EU và ông Sturgeon lập luận, họ nên rời khỏi Anh để giữ chặt chẽ mối quan hệ với khối này. Động thái đầy xáo trộn ở Anh cũng khiến các nhà quan sát chính trị bất an trong khi các thị trường tài chính cũng co cụm lại bởi các nhà đầu tư phản ứng thận trọng.

Khả Anh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_164940_vi-sao-anh-ca-n-ba-u-cu-so-m-.aspx