Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy được phát hiện còn ít so với thực tế

“Số lượng các vụ cháy lớn hàng năm chỉ trên 1% nhưng thiệt hại lại đến 80%, có năm lên trên 90%, có những vụ gây thiệt hại lớn về người”

Đây là thông tin đáng chú ý được đưa ra tại Tọa đàm “Thực thi Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và việc nâng cao ý thức cho người dân, doanh nghiệp”.

Mỗi gia đình cần thường xuyên kiểm tra nguy cơ chập điện

“Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã tiếp nhận 7.000 tin báo cháy và cứu nạn cứu hộ, kịp thời điều động 3.574 lượt xe chữa cháy chuyên dùng và cứu nạn cứu hộ. Trực tiếp chữa cháy 420 vụ, xử lý gần 500 vụ chập điện; tổ chức cứu nạn cứu hộ 166 vụ”, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội Nguyễn Văn Sơn cho biết.

Đáng quan tâm là tình trạng cháy nổ tại các khu chung cư. Theo Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bùi Quang Việt, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC của Việt Nam nói chung và PCCC tại các tòa nhà cao tầng nói riêng hiện nay cơ bản đầy đủ và đã được cập nhật theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới. Một trong những yêu cầu đối với chủ đầu tư xây dựng các dự án tòa nhà chung cư là phải bảo đảm PCCC.

Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm, Điều 16 Luật PCCC quy định rất rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, đó là phải thực hiện thủ tục trình duyệt dự án thiết kế về PCCC và chỉ được thi công khi thiết kế này đã được duyệt. Đồng thời, chủ đầu tư phải tổ chức kiểm tra, giám sát thi công nghiệm thu và bàn giao công trình trước khi đưa vào sử dụng.

Trong quá trình thi công công trình, nếu có thay đổi về thiết kế phải giải trình, thiết kế bổ sung và phải được cơ quan cảnh sát PCCC thẩm duyệt lại. “Như vậy, quy định của luật đã rất rõ ràng, vấn đề là tổ chức thực hiện của các cơ quan và các chủ đầu tư có nghiêm túc hay không”, ông Sơn nói.

Việc diễn tập cần được tổ chức thường xuyên để giúp người dân có kỹ năng về PCCC

Theo ông Việt, người dân sống tại các nhà chung cư, cần tìm hiểu và biết được các vị trí lắp đặt phương tiện PCCC của tòa nhà. Đồng thời, mỗi gia đình cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện và loại trừ nguy cơ mất an toàn PCCC, đặc biệt là vào ban đêm hoặc trước khi rời khỏi nhà. Cùng với đó, hạn chế sử dụng các vật liệu dễ cháy như: gỗ, tâm nhựa, mút xốp... để ốp tường, trần, vách ngăn và không lắp các lồng sắt, lưới sắt ở lan can để khi xảy ra cháy thì tạo điều kiện cho chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

“Các hộ gia đình nên lắp đặt thiết bị cảnh báo cục bộ đơn giản để nếu có cháy, khói thì thiết bị cảnh báo ngay. Cùng với đó, cần lắp đặt thiết bị cảnh báo rò rỉ gas để kịp thời phát hiện và xử lý khi gas rò rỉ. Khi xảy ra cháy, tìm mọi cách báo nhanh nhất cho mọi người xung quanh, gọi điện cho cảnh sát PCCC theo số 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, công an xã phường nơi gần nhất”, ông Việt nói.

Nhận thức về PCCC còn yếu kém

Qua hoạt động giám sát, ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cho biết, một số quy định không chỉ trong Luật PCCC mà cả ở một số văn bản hướng dẫn thi hành luật còn có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn hoặc thiếu cơ sở pháp lý nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.

Bên cạnh đó, việc triển khai tuyên truyền về PCCC ở một số địa phương thiếu chiều sâu, hiện tượng khoán trắng cho lực lượng cảnh sát PCCC, cứu nạn, cứu hộ khá phổ biến. “Hầu hết các bộ, ngành và UBND địa phương chưa chấp hành chế độ báo cáo công tác PCCC hàng năm theo quy định. Tình trạng vi phạm các quy định về điều kiện an toàn về PCCC được phát hiện còn ít so với thực tế, trong xử lý còn chưa kiên quyết, tuyệt đại đa số là xử lý hành chính”, ông Hồng cho biết.

Giám đốc Công ty TNHH PCCC Bình Yên Trần Mạnh Cường cho hay, hầu hết các vụ cháy dân sinh gần đây đều bắt nguồn từ việc sử dụng điện, do các thiết bị điện sử dụng ngày càng nhiều, đến một lúc nào đó sẽ vượt quá giới hạn thiết kế, dẫn tới quá tải, sinh ra chập cháy ở hệ thống điện. Nguyên nhân thứ hai theo ông Cường là rò rỉ khí ga và nguyên nhân thứ ba là việc sử dụng các hóa chất và đặt ở các vị trí chật hẹp, sinh ra nóng và gây cháy nổ.

Nói về ý thức PCCC, ông Sơn cho biết, không ít người đứng đầu cơ quan tổ chức, cơ sở chính quyền thờ ơ coi thường, thậm chí thiếu hiểu biết về công tác PCCC nên không biết ứng xử khi gặp những vụ cháy, không biết trách nhiệm của mình đến đâu. Dẫn đến, khi xảy ra cháy nổ, họ hết sức lúng túng trong chỉ đạo.

“Tôi cho rằng, nhận thức về PCCC hiện nay là hết sức yếu kém. Tôi đề nghị, phải thực hiện đúng, thực hiện đủ và thực hiện thường xuyên những quy định trách nhiệm đã được pháp luật đề ra từ người đứng đầu cơ sở chính quyền các cấp rồi đến chủ hộ gia đình, công dân”, ông Sơn nói.

Đồng quan điểm, Trung tá Bùi Quang Việt cho rằng, cần đề cao trách nhiệm của chủ cơ sở, chủ hộ cũng như cá nhân. Bên cạnh đó, theo ông Việt, các cơ quan thông tin truyền thông có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC thường xuyên để mọi người nắm được kỹ năng về PCCC và biết cách xử lý khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Trong năm 2016, Hà Nội đã tổ chức được 1.356 cuộc tuyên truyền, với 78.800 lượt người tham gia, phát hành 130.000 tờ rơi; 712 tin tin trên các báo đài về công tác PCCC. Công tác thẩm duyệt nghiệm thu PCCC, cấp biên bản kiểm tra, cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm về cháy nổ được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình. Lực lượng chức năng cũng đã tổ chức thanh tra 5 chuyên đề, kiểm tra liên ngành 8 đợt với 31.989 lượt cơ sở. Qua đó, phát hiện 73.629 tồn tại, thiếu sót về PCCC; xử phạt 3.166 tổ chức, cá nhân với số tiền trên 7 tỷ đồng. Tạm đình chỉ 40 cơ sở và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng 81 cơ sở có nhiều vi phạm nghiêm trọng về công tác PCCC.

Phương Thảo

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/vi-pham-quy-dinh-ve-phong-chay-chua-chay-duoc-phat-hien-con-it-so-voi-thuc-te-98715/