Vi phạm môi trường: Rút giấy phép, DN sợ ngay

Thanh tra môi trường thường chỉ thanh tra theo định kỳ, có báo trước, như thế thì chỉ tạo điều kiện cho các DN đối phó.

Chiều 11-11, thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, nhiều ý kiến đại biểu (ĐB) đề nghị cần phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn nữa các vi phạm về môi trường, tránh tình trạng “phạt đến chín lần như Hào Dương rồi mà vẫn cứ tái diễn vi phạm”.

Theo ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM), nhân dân hiện rất ca thán, bức xúc về hành vi gây ô nhiễm môi trường, vậy mà việc xử lý cứ giậm chân tại chỗ. “Những vi phạm như ở vụ Hào Dương không chỉ ảnh hưởng trực tiếp mà còn lâu dài tới sự phát triển nòi giống. Thế nhưng xử phạt thì rất nhẹ, chưa đủ sức răn đe” - ông Thiện nói.

Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) cho rằng còn có quá nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước về môi trường. Bằng chứng là những vụ vi phạm nghiêm trọng chủ yếu do cảnh sát môi trường và chính người dân phát hiện chứ thanh tra môi trường rất ít khi tìm ra.

Công ty Hào Dương vi phạm tới lần thứ 10 nhưng cũng chỉ bị phạt hành chính. Trong ảnh: Khám nghiệm hiện trường trong một lần xả thải gây ô nhiễm ra sông. Ảnh: CTV

“Thanh tra môi trường thường chỉ thanh tra theo định kỳ, có báo trước. Như thế thì chỉ tạo điều kiện cho các DN đối phó nên sau thanh tra lại đâu vào đó” - bà Trang nói và đề nghị nên sửa đổi các quy định về thanh tra môi trường cho phù hợp và phát huy được tác dụng.

ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cho rằng dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng về môi trường là do mức xử phạt bằng tiền quá thấp nên DN vì lợi nhuận sẵn sàng bất chấp pháp luật. “Chúng ta phải xử nghiêm hơn, nếu xả thải gây ô nhiễm thì rút giấy phép hoạt động ngay lập tức. Chứ cứ vi phạm xử phạt, rồi lại vi phạm, lại xử phạt thì chẳng đi đến đâu. Cứ rút giấy phép hoạt động thì chắc chắn không đơn vị nào dám vi phạm nữa” - ông Hùng kiến nghị.

ĐB Nguyễn Văn Phụng (TP.HCM) thì băn khoăn: “Vedan vi phạm nặng thế nhưng chỉ bị phạt 200 tỉ đồng. Hào Dương vi phạm tới lần thứ 10 nhưng cũng chỉ bị phạt hành chính. Trong khi hành vi của các DN này là không thể chấp nhận được khi xả thải trực tiếp ra môi trường” - ông Phụng nói.

ĐB Phạm Văn Gòn (TP.HCM) cũng nhận định luật đưa ra nhiều hành vi cấm nhưng chế tài xử phạt lại nhẹ. “Nếu gây thiệt hại, tác động quá lớn đến đời sống người dân thì phải xử hình sự để đủ sức răn đe” - ĐB Gòn đề nghị.

Cần chặt đứt việc bán thầu để ăn phần trăm

Chiều cùng ngày, thảo luận về Dự án Luật Xây dựng sửa đổi, ĐB Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng cần sửa đổi các quy định về đấu thầu trong hoạt động xây dựng, tránh tình trạng xây dựng xong trụ sở nhưng vì vấn đề an ninh mà không thể chuyển hết các đơn vị sang đó hoạt động. “Chúng ta phải nghiên cứu lại xem đối với những công trình quan trọng, có liên quan đến an ninh quốc gia thì có nên đưa ra đấu thầu không” - ông Thạch băn khoăn.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) thì đề nghị nên xem xét lại các quy định về nhà thầu chính, nhà thầu phụ. “Tôi thấy công trình nào cũng có hiện tượng nhà thầu chính sau khi thắng thầu lại “giao” công trình cho nhà thầu phụ làm. Có công trình thì nhà thầu phụ lại “giao” tiếp cho nhà thầu phụ khác. Nhiều người bảo rằng anh đấu thầu, “giao” thầu, bán thầu như thế cốt để anh kiếm phần trăm, rồi anh giao tiếp lại ăn phần trăm tiếp. Cứ như thế thì rất nguy, chúng ta cần phải có những quy định để ngăn chặn việc này” - bà An nói.

THÀNH VĂN

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20131111103318692p0c1085/vi-pham-moi-truong-rut-giay-phep-dn-so-ngay.htm