Vi phạm chất lượng trong chế biến, sản xuất tôm phải xử nghiêm

Trước việc sản xuất tôm đang gặp phải nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu cần phải rà soát và xử lý nghiêm các vi phạm về chất lượng.

Chiều 5/12, tại tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và 6 tỉnh nuôi tôm trọng điểm tại ĐBSCL để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất tôm.

Báo cáo tại buổi làm việc Bộ NN&PTNT cho biết, hiện tại, cả nước có 2.300 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó 1.700 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 600 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, sản xuất được khoảng 86 tỷ con giống.

Nghề nuôi tôm đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: TTXVN

Tính đến cuối tháng 10/2016, kim ngạch xuất khẩu tôm đã đạt xấp xỉ 2,6 tỷ USD. Thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam chủ yếu hiện nay bao gồm Mỹ chiếm 22,7 %, EU chiếm 19,1%, Nhật Bản chiếm 17,8%, Trung Quốc và Hồng Kông chiếm 14,8%. Theo dự báo, khả năng xuất khẩu thủy sản năm 2016 sẽ đạt kim ngạch trên 7 tỷ USD.

Đảm bảo chất lượng sản phẩm tôm

Mặc dù ngành tôm cũng đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, năm nay thiên tai khắc nghiệt, hạn mặn nhất trong lịch sử từ khoảng 100 năm trở lại đây tại ĐBSCL, và năm nay cũng là năm mưa nhiều nhất ở ĐBSCL dẫn đến những bất lợi chung, đặc biệt là cho con tôm.

Bộ trưởng Cường cho rằng, khó khăn nhất hiện nay đang gặp phải đó là việc kiểm soát chất lượng sản phẩm tôm. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước do thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp. Tình trạng thiếu điện phục vụ nuôi tôm tại một số địa phương cũng diễn ra thường xuyên. Hầu hết tôm giống tôm thẻ chân trắng vẫn phải nhập ngoại nên chưa thể chủ động sản xuất.

Nhất là tình trạng nhiều cơ sở nuôi nhỏ lẻ nên chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất; thường thiếu vốn sản xuất, phải mua chịu vật tư đầu vào như thức ăn, chế phẩm sinh học, hóa chất…, chịu lãi suất cao và không có cơ hội lựa chọn sản phẩm có chất lượng, phụ thuộc vào đại lý, đầu nậu...

Từ những khó khăn trên, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh, những vấn đề này nếu không tháo gỡ sớm, không chỉ ảnh hưởng toàn năm 2016 của ngành tôm, mà kể cả năm 2017.

Cần rà soát lại quy hoạch

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành tôm tại ĐBSCL đạt được. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đồng tình với những tồn tại của ngành tôm mà các địa phương đưa ra như chất lượng tôm giống chưa cao, chưa được kiểm soát chặt chẽ; quản lý đầu vào, đảm bảo an toàn thực phẩm còn lỏng lẻo, không đáp ứng ở thị trường có nhu cầu lớn ảnh hưởng đến chất lượng, dẫn đến giảm sức cạnh tranh của con tôm.

Phó Thủ tướng yêu cầu cần rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, chế biến tôm. Ảnh minh họa

Trước những khó khăn mà ngành tôm đang gặp phải, Phó Thủ tướng cho biết, trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT cần tăng cường các biện pháp giám sát, thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực liên quan đến thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng từ đầu vào, con giống, thức ăn, thuốc, môi trường,… và xử lý nghiêm các vi phạm.

Nhân dịp này Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển bền vững tôm nước lợ đến năm 2025, định hướng 2030 theo hướng từng bước hình thành ngành công nghiệp sản xuất tôm với công nghệ cao và tôm sinh thái hiệu quả và phát triển bền vững.

An Dương

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/vi-pham-chat-luong-trong-che-bien-san-xuat-tom-phai-xu-nghiem-d109900.html