Vì nóng lòng muốn 'thay áo' tỉnh nghèo

Một số dự án được tỉnh Phú Yên “bật đèn xanh” xóa rừng phòng hộ ven biển. Một số cơ quan, ban, ngành tỉnh Phú Yên phân trần, việc làm này không ngoài mục đích nóng lòng muốn “thay áo” diện mạo kinh tế tỉnh nghèo. Thế nhưng, ai đã chủ trương làm dự án kiểu “tiền trảm hậu tấu”? Trong khi UBND tỉnh thừa nhận thiếu sót trong quá trình triển khai dự án thì câu hỏi này vẫn đang bị bỏ ngõ.

Nhiều diện tích rừng phi lao phòng hộ trồng sau năm 1975 đã bị chặt bỏ để làm dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp New City. Ảnh: P.V

Phá rừng phòng hộ trước, báo cáo sau (!)

Đó là thực tế dự án khu du lịch liên hợp cao cấp New City tại xã An Phú, TP. Tuy Hòa do Cty TNHH New City VN làm chủ đầu tư chuẩn bị làm sân golf, khách sạn... Có mặt tại đây, PV chứng kiến nhiều phương tiện đang thi công san ủi, phá bỏ rừng phi lao, chuẩn bị làm sân golf, khách sạn... Rừng phòng hộ này được trồng từ sau năm 1975. Dự án này được UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 9.9.2014. Ngày 23.4.2015, Sở TNMT tỉnh Phú Yên có công văn hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện thủ tục môi trường. Văn bản thể hiện dự án này có diện tích đất 121,25ha, trong đó có sử dụng 115,94ha đất rừng phòng hộ.

Ngày 28.2.2017, Sở TNMT yêu cầu chủ đầu tư bổ sung quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thế nhưng khi các thủ tục, hồ sơ chưa hoàn thiện thì chủ đầu tư đã phá rừng phòng hộ (phi lao), triển khai dự án. Minh chứng rõ ràng nhất là chính UBND tỉnh đã có văn bản cho phép dự án được động thổ vào ngày 24.6.2015.

Ngày 24.4, ông Phan Đình Phùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - ký văn bản gửi đến các cơ quan báo chí, cho rằng việc triển khai các dự án du lịch ven biển nói chung và dự án này nói riêng là nhằm khai thác và phát huy lợi thế về tài nguyên du lịch biển, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh theo kế hoạch số 119/KH-UBND (ngày 12.8.2016 của UBND tỉnh) về thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

Vì vậy, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo khắc phục những thiếu sót để dự án được thực hiện theo quy định. Văn bản thông báo lại là tổng diện tích dự án này 122,52ha, trong đó diện tích rừng theo hồ sơ thiết kế là 64,12ha, diện tích đất trống không có cây 58,4ha. Diện tích rừng thực khai thác tại thực địa là 32,34 ha/64,12 ha. So sánh với diện tích rừng phòng hộ dự án sử dụng mà Sở TNMT đề cập ở trên, diện tích rừng phòng hộ theo thông báo này lại giảm đi... hơn một nửa. Ngoài ra, một dự án khác có tên khu du lịch sinh thái Sao Mai (xã An Phú, TP. Tuy Hòa) cũng sẽ xóa hơn 19,3ha rừng phòng hộ, được UBND tỉnh cho phép động thổ trùng thời gian cùng với dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp New City.

“Nếu quy hoạch đất đó thành phi nông nghiệp thì hay”!

Phó GĐ Sở TNMT tỉnh Phú Yên Mai Kim Lộc khẳng định, dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp New City chưa có quyết định giao đất. “Theo giấy chứng nhận đầu tư tỉnh cấp vào tháng 9.2014, nhà đầu tư đang hoàn tất các thủ tục gửi chúng tôi tham mưu cho tỉnh quyết định. Tuy nhiên đến nay, nhà đầu tư đang trong quá trình hoàn tất” - ông Lộc nói. “Nếu căn cứ quy hoạch trước và sau, chúng ta có thể kiến nghị đưa diện tích đất này thành phi nông nghiệp” - ông Lộc phân trần và cho hay dự án này khởi động từ 2005 và được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

“Theo tôi biết vấn đề này còn chồng chéo trong quy hoạch. Vấn đề này khi Thanh tra Chính phủ, hay Kiểm toán Nhà nước về làm việc, chúng tôi cũng đã kiến nghị. Đúng ra, tỉnh nên sớm chỉ đạo đưa diện tích đất này ra khỏi đất rừng phòng hộ thì thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư hơn” - ông Lộc nói. Theo hợp đồng của nhà đầu tư với đơn vị tư vấn để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì tổng diện tích dự án “số tròn” là 121ha, trong đó đất rừng là 115ha, còn lại là đất khác. Ông Lộc khẳng định, qua theo dõi, hiện nay nhà đầu tư đã thực hiện được hơn 70% diện tích.

“Việc sử dụng đất rừng phòng hộ chắc tỉnh cũng căn cứ vào sự cho phép của Chính phủ trước đây” - ông Lộc nói, và thừa nhận, khi phát triển đô thị thì tất nhiên ảnh hưởng đến một số lĩnh vực khác. “Về khách quan mà nói thì nó ảnh hưởng môi trường, nhưng về chủ quan đây là điều kiện để phát triển trong tương lai. Khi họ phá bỏ thì họ sẽ trồng lại thôi. Rừng phi lao này trồng cấp thời để chắn gió, chắn cát là chính”.

Không phủ nhận rừng phòng hộ ven biển có tác dụng bảo vệ tài sản của con người, tuy nhiên, ông Lộc cho rằng: “Do điều kiện phát triển kinh tế tỉnh và căn cứ vào quy hoạch thì cũng cần tính toán phát triển như thế nào vừa bảo vệ môi trường vừa đẩy mạnh tốc độ phát triển, chứ cứ rừng tự nhiên mà không cho khai thác, không cho phát triển thì tỉnh không thể đi lên được (!)”.

Một lãnh đạo Hợp tác xã nông nghiệp Đông An Phú (xã An Phú) cho rằng, khi phá rừng thì về môi trường ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng, suy giảm chức năng phòng hộ. Theo nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Hữu, Phú Yên là một tỉnh nghèo cần có các dự án lớn về du lịch. Tuy nhiên, không vì thế mà địa phương bỏ qua các quy định của pháp luật.

“Rừng phòng hộ ven biển là tài sản vô giá, ảnh hưởng đến đời sống của người địa phương nên không thể đánh đổi để làm dự án” - ông Hữu nói. Theo ông Hữu, lâu nay, việc phát động, trồng rừng ở đó (khu vực dự án) cho nó sống là rất vất vả. “Vùng cát mà, phi lao sống được như thế rất là mừng. Phá rừng tràn lan hết thì rất là tiếc. Biến đổi khí hậu, vùng biển gió như vậy thì rừng là vô giá. Không thể đánh đổi bằng mọi giá. Chỉ có những dự án nào quá cần thiết, nhưng cũng hết sức thận trọng, phải làm đúng quy trình” - ông Hữu cảnh báo.

NHIỆT BĂNG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/vi-nong-long-muon-thay-ao-tinh-ngheo-659163.bld