Ví giặm ân tình trong lòng Thủ đô

Sau hai năm, kể từ lần tổ chức đầu tiên ở Nhà hát Âu Cơ, Chương trình “Ân tình Ví, Giặm” đã được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, thậm chí lưu diễn ở nước ngoài, lần này, “Ân tình Ví, Giặm” quay trở lại với khán giả Thủ đô Hà Nội với quy mô hoành tráng hơn. Điều dễ nhận thấy, đó là sự lan tỏa của giá trị di sản và kết nối cộng đồng trong nỗ lực gìn giữ, phát huy Ví, giặm của những người con xứ Nghệ.

1. Đêm 12-11, hai tầng khán đài của Trung tâm Hội nghị Quốc gia chật kín chỗ ngồi. Không phải là đêm biểu diễn của một ca sĩ hay ngôi sao nổi tiếng, những người làm chủ sân khấu hoành tráng này lại là “những người nông dân hát” đến từ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Họ không phải là những nghệ sĩ chuyên nghiệp, càng không hát những ca khúc “hot” của thị trường. Những người nông dân hát dân ca Ví, Giặm - mộc mạc và giản dị - như chính tâm hồn của họ. Không ít khán giả khi cầm tấm vé trên tay đã không khỏi ngạc nhiên, trầm trồ: Dân xứ Nghệ chơi sang thật! Cũng có lý vì Trung tâm Hội nghị Quốc gia vốn là sân khấu sang trọng và lịch lãm, trong khi dân ca Ví, Giặm là loại hình âm nhạc dân gian thường được diễn xướng và “thăng hoa” trong chính không gian rộng lớn của ruộng đồng, bến nước, sân đình.

Dân ca Ví, giặm được biểu diễn tại sân khấu Trung tâm Hội nghị quốc gia.

Trước thềm sự kiện diễn ra, bà Phan Ngọc Minh, Phó Ban tổ chức chương trình Ân tình Ví, Giặm cho biết: Ban Tổ chức từng nghĩ đến việc sẽ lựa chọn Nhà hát Lớn hoặc Nhà hát Âu Cơ với quy mô nhỏ hơn nhưng nếu tổ chức tại những địa điểm trên sẽ rất ít người có cơ hội được nghe Ví, giặm. Trong khi Ban Tổ chức mong muốn chia sẻ, quảng bá rộng rãi làn điệu dân ca này tới người dân cả nước.Và đúng như kỳ vọng, khán phòng của Trung tâm Hội nghị quốc gia không còn chỗ trống.Những người con xứ Nghệ xa quê mong mỏi được nghe một câu giặm, điệu ví quê hương – cái tiếng trọ trẹ mà lâu rồi đã không được nghe hàng ngày. Đó như là âm thanh khơi gợi nỗi nhớ quê hương, nguồn cội. Mà đâu chỉ có riêng người xứ Nghệ, nhiều người dân Thủ đô, nhiều vị khách muôn phương cũng đã đến và cảm nhận ruột gan của người xứ Nghệ qua những câu hát ví, giặm .Chị Phương Thảo (Hà Nội), một khán giả đã cất công đi theo từng đêm diễn của Ân tình Ví, Giặm – từ Sài Gòn, Đà Nẵng đến Hà Nội chỉ vì quá yêu xứ Nghệ, yêu những bài dân ca mộc mạc, sâu lắng. Thậm chí, trong đêm Ân tình Ví, Giặm tại Hà Nội lần này, chị đã mua rất nhiều vé để tặng bạn bè, người thân.

2. Không ít người nghi ngại, những câu hát nơi thôn dã, mộc mạc của Ví, giặm lên sân khấu trung Tâm hội nghị Quốc Gia liệu có bị lạc lõng? Hơn hai tiếng đồng hồ diễn ra đêm diễn với rất nhiều tiết mục đặc sắc đã là câu trả lời thỏa đáng nhất. Nếu như trước đây, Ví, Giặm là thể hát dân ca được diễn xướng trong quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt đời sống thì đến nay, Ví, Giặm lại sống trong lòng cộng đồng nhân dân xứ Nghệ thông qua nhiều hình thức, từ hát trong sinh hoạt đến tái hiện trên sân khấu, sàn diễn. Sân khấu được mô tả, tái hiện lại chân thực, gần gũi với nơi mà Ví, Giặm được thăng hoa. Đó là mái nhà tranh vách đất nơi cụ ông cụ bà ngồi xúc “một đọi độ, một mủng khoai”, để rồi ngồi ăn với nhau thấy“sướng bằng năm ô lục soạn, đẹp bằng mười ô lục soạn”. Đó là trên bến dưới thuyền, trên đồng dưới ruộng, bên khung dệt vải, cạnh cối xay lúa. Câu hò, điệu ví là nơi để giãi bày tâm sự, để thi thố văn chương, để gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi của mỗi người xứ Nghệ. Dí dỏm mà thông minh, thanh mà tục, tục mà thanh.

Qua các làn điệu tiêu biểu như: "Về miền Ví Giặm", "Giặm xay lúa", "Ô lục soạn" cùng các màn diễn xướng "Trai phường chài-gái phường vải", "Ví Giặm bỏ bùa"... người nghe được cảm nhận sự dí dỏm, duyên dáng, chân chất, thật thà của người dân xứ Nghệ và cả sức sống bền bỉ của Ví Giặm trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Có lẽ cũng vì thế mà mỗi khi tiếng hát cất lên, mỗi khi những tiếng nói, phương ngữ quen thuộc đậm chất người Nghệ như: "nác" (nước), “chạc mụi”, “con tru” (con trâu) được nhắc tới, tiếng vỗ tay lại vang lên không ngớt. Người xa quê thì thấy sao mà gần gũi thân thuộc, người không phải quê xứ Nghệ thì lấy làm thích thú, vui tai.

Phần biểu diễn "Ô lục soạn" lời cổ do nghệ nhân ưu tú Khánh Cẩm và Thanh Minh biểu diễn.

Khán giả khi trầm trồ sảng khoái, khi lại xúc động rưng rưng.Tiết mục giặm lời cổ “Ô lục soạn” qua sự biểu diễn của nghệ nhân ưu tú Khánh Cẩm và nghệ nhân Thanh Minh khiến khán giả không ngừng vỗ tay tán thưởng. Nghệ nhân Khánh Cẩm năm nay đã hơn 80 tuổi, mái tóc bạc trắng, thậm chí ông cũng vừa mới ốm dậy, nhưng giọng hát vẫn vô cùng khỏe khoắn. Bài ca cho thấy tinh thần dí dỏm của người xứ Nghệ không thể nào lẫn đi được. Lời hát “Phụ tử tình thâm” được cất lên, nhiều khán giả trong khán phòng ngồi yên lặng, xót xa rơm rớm nước mắt: “Rồi một mai… bách tuế/ Khi cây úa lá vàng/ Cây…rụng cội đại ngàn/ Con có bạc… có vàng/ Cũng tìm đâu… được nữa/ Mà tìm đâu… được nữa”. Người xứ Nghệ từ khi cất tiếng khóc chào đời đã được sống trong không gian Ví giặm, trong lời ru của mẹ, của bà. Cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, câu hát đưa linh cũng bằng câu ví, giặm…

Phần biểu diễn "Phụ tử tình thâm" lời cổ của NSND Hồng Lựu cùng với các em thiếu nhi ở câu lạc bộ Chồi xanh.

3. Tiết mục biểu diễn “Phụ tử tình thâm” cũng là minh chứng cho sự trao truyền giữa các thế hệ. Đó là màn kết hợp đầy cảm xúc giữa NSND Hồng Lựu cùng các cháu CLB Ví Giặm Chồi xanh. NSND Hồng Lựu bày tỏ rằng, khi đứng trên sân khấu biểu diễn tiết mục này cùng với các em nhỏ, trong lòng cô trào dâng niềm xúc động khôn tả vì không chỉ hát với tư cách của một người nghệ sĩ mà chính là đang “truyền lửa” cho các thế hệ sau. Trong những năm qua, NSND Hồng Lựu cũng đã dày công tập luyện, trao truyền cho các thế hệ mầm non của dân ca ví, giặm. Cháu Quỳnh Như, CLB Phúc Thành chính là một hạt nhân mà sự trao truyền xứng đáng được thể hiện qua tác phẩm “Thập ân phụ mẫu”. Khắp các huyện, xã ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đều có các câu lạc bộ ví, giặm hoạt động tích cực. Thậm chí, ví giặm đã được dạy hát dân ca trên truyền hình tỉnh. Để thấy rằng, Ví giặm có một sức sống trường tồn, lan tỏa mạnh mẽ. Mỗi người dân xứ Nghệ hôm nay vẫn yêu mến và cố gắng gìn giữ những câu dân ca Ví, Giặm sâu lắng nghĩa tình.Từ em bé lên ba lên bốn đến cụ già sống hơn 100 tuổi vẫn hát Ví,Giặm bằng cả tình yêu và niềm kiêu hãnh của mình. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia trao truyền cho nhau di sản ngàn đời mà cha ông để lại.

NSND Thu Hiền biểu diễn "Câu thương, câu đợi, câu chờ"

Câu hát của quê hương như thấm vào trong máu thịt. Những nhạc sĩ quê hương xứ nghệ tắm mát trong dòng sữa ngọt của dân ca để rồi viết nên những ca khúc thấm đẫm tình người, tình quê. Dân ca ví, giặm đã được chuyển hóa tự nhiên như thế, trở thành những ca khúc đi cùng năm tháng, lấy cảm hứng từ dân ca xứ Nghệ như: "Giận mà thương" (Nhạc sĩ Trần Hoàn), "Câu thương câu đợi câu chờ" (Nhạc sĩ Ngọc Thịnh), "Khúc hát sông quê" (Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo)... NSND Thu Hiền chia sẻ: “Tôi hát về xứ Nghệ từ năm 15 tuổi, những bài hát về xứ Nghệ đã ngấm vào tâm hồn tôi từ những ngày thơ bé ấy, tôi đã mang nó ra Bắc vào Nam, đi vào chiến trường khói lửa hát cho bộ đội nghe. Vì thế, dù đi đâu, tôi vẫn luôn hướng về xứ Nghệ. Tôi cũng tự hào và cảm ơn những bài hát mang đậm màu sắc dân ca ấy đã mang lại nhiều vinh quang cho tôi, để mọi người biết đến tôi nhiều hơn”. NSND Thu Hiền đã hát ca khúc “Câu thương câu đợi câu chờ” đầy cảm xúc.Nhiều khán giả bày tỏ sự tiếc nuối khi mong được nghe NSND Thu Hiền hát nhiều hơn những ca khúc mang âm hưởng dân ca ví, giặm đã gắn với tên tuổi của bà.

Bước ra khỏi khán đài, câu hát ngẫu hứng của những bạn trẻ áo xanh tình nguyện người xứ Nghệ “giận thì giận mà thương thì thương” tiễn chúng tôi ra về. Mặc dù có thể về kết cấu chương trình chưa được xuyên suốt và cũng có một vài tiết mục quá dài dễ gây nhàm chán với khán giả, nhưng một đêm diễn nhiều cảm xúc, “đi vào lòng người” là nhận xét của hầu hết khán giả. Và hơn hết, chúng ta có thể tin rằng, Ví, giặm vẫn luôn được thế hệ sau gìn giữ, tiếp nối.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/31278502-vi-giam-an-tinh-trong-long-thu-do.html